Top

Có ngân hàng, đâu cần Quỹ nhà ở

Cập nhật 27/10/2014 13:38

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), việc hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội sẽ gặp phải những khó khăn, tốn kém rất lớn trong việc tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, vì vậy nên giao NHCSXH thực hiện thì sẽ có những thuận lợi.

“Tiền trao, cháo múc, nhưng BĐS không phải là cháo”

Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, chính sách nhà ở công vụ, “room” cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà… là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận trong phiên họp sáng ngày 24/10, khi bàn về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bàn về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, nhiều đại biểu đã tỏ ra băn khoăn về những bất cập hiện nay của Dự thảo. Theo Điều 12, Dự thảo Luật quy định: “Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua nhà ở”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm việc giao dịch nhà ở được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Có cần thiết phải hình thành Quỹ phát triển nhà ở?

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu theo Dự thảo Luật thì người mua nhà không cần kê khai làm trước bạ. “Chúng ta cứ nói đã thanh toán tiền rồi, tiền trao cháo múc là được, nhưng BĐS không phải là cháo”, ông Lịch nói. Vị đại biểu của đoàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời nào cũng vậy, với BĐS thì quyền sở hữu chỉ được xác lập về pháp lý khi được đăng ký với Nhà nước và nộp phí mang tính bắt buộc. Do đó, thời điểm kê khai bắt buộc nộp thuế trước bạ là thời điểm được pháp luật thừa nhận, “nếu để như Dự thảo Luật chẳng khác nào chúng ta xúi người dân không cần làm thuế trước bạ gì hết”, ông Lịch bày tỏ lo lắng.

Hạn chế xây nhà ở công vụ

Quy định chính sách nhà ở công vụ cũng là chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng), Luật nên thu hẹp đối tượng hưởng chính sách nhà ở công vụ để tiết kiệm khi ngân sách đang khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ nên xây nhà ở công vụ cho cán bộ làm việc ở nơi khó khăn, biên giới, hải đảo, còn cán bộ công vụ làm ở thành phố thì hỗ trợ theo lương để đi thuê, nhằm kích thích thị trường BĐS.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì cho rằng, với các chức danh ở trung ương chỉ nên bố trí nhà công vụ từ hàm bộ trưởng hoặc chức vụ tương đương trở lên, còn tại các địa phương chỉ xây dựng nhà ở công vụ cho những nơi chưa có nhà ở thương mại. Với các đối tượng khác, nếu địa phương đã có nhà ở thương mại thì Nhà nước căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ nhà ở theo lương để cán bộ có chỗ ở công tác.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thì lưu ý, cần tạo sự công bằng về chế độ công vụ giữa cán bộ chuyển vào thành phố, với cán bộ chuyển đi vùng sâu, vùng xa. “Một cán bộ ở huyện ngoại thành vào trung tâm Hà Nội nhận nhiệm vụ được cấp 4 triệu đồng/tháng, chưa kể vào nội thành được hưởng những điều kiện khác như nước sạch, điện đầy đủ, con cái học ở trường chất lượng… Trong khi cán bộ điều chuyển đi vùng sâu, vùng xa không được hưởng những tiện ích như vậy”, đại biểu Hà nêu ví dụ.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội (Điều 74) và cơ chế hoạt động của Quỹ. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc thành lập Quỹ không thực sự cần thiết. Đặc biệt, việc hình thành Quỹ lại do ngân sách Trung ương cấp và phát hành trái phiếu Chính phủ là không khả thi. Hơn nữa, chính sách nhà ở xã hội đã được quy định ở nhiều văn bản khác. Ví dụ, giải quyết về vốn cho nhà ở thì đã có các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) bổ sung thêm: Việc hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội sẽ gặp phải những khó khăn, tốn kém rất lớn trong việc tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, vì vậy nên giao NHCSXH thực hiện thì sẽ có những thuận lợi, vì một trong những chức năng, hoạt động của ngân hàng này là thực hiện cho vay chính sách xã hội của Nhà nước. Thực tế hiện nay, NHCSXH đã và đang thực hiện cho vay xây dựng, cải tạo nhà ở cho người nghèo, cận nghèo.

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự án Luật về mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị mức vốn pháp định tối thiểu phải là 50 tỷ đồng.

Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng là quá cao so với mặt bằng vốn chung của các DN đang hoạt động. Theo thống kê, hiện nay khoảng 60% DN kinh doanh BĐS có mức vốn điều lệ từ 6-20 tỷ đồng và chỉ có khoảng 26% DN có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên.
 

Trước nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc “mở” cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà, đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) cho rằng: Về quy định cho người nước ngoài thuê, mua 30% số lượng căn hộ trên một tòa nhà chung cư và với nhà ở riêng lẻ mà cho phép họ mua dưới 250 căn nhà trong một phường, nếu không cẩn trọng sau này sẽ có những phố người nước ngoài tại Việt Nam.



DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng