Top

Sai pham nghiêm trọng trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng tại Bình Dương:

Chủ tịch UBND tỉnh làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Cập nhật 21/02/2014 09:36

Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương xử lý hàng loạt vấn đề về kinh tế cũng như chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng tại Khu liên hợp (KLH) công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương (“thành phố mới”), đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm. Lẽ ra phải thực hiện ý kiến này nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lại có “sáng kiến” rất khó ngờ...

Quy hoạch "Thành phố mới" để tạo nguồn thu ngân sách (!)

Loạt bài điều tra đăng trên Báo CATP tuần qua về Công ty cổ phần TDC (thuộc Tổng công ty Becamex IDC) bán nền tái định cư tại KLH công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương bằng hợp đồng (HĐ) “ba không” cùng hàng trăm giấy phép xây dựng trái pháp luật được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau khi báo phát hành, ông X. (chủ doanh nghiệp bất động sản), nhóm cán bộ hưu trí cùng nhiều bạn đọc ở Bình Dương tiếp tục cung cấp thêm thông tin liên quan đến hàng loạt sai phạm xảy ra tại “thành phố mới”. Trước đây, Thanh tra Chính phủ (TTrCP) đã vào cuộc làm rõ và có kết luận ngày 26-11-2008, nhưng đến nay nhiều sai phạm vẫn chưa được khắc phục, xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí còn bị bưng bít, bao che.

Một góc “thành phố mới” gần trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương vừa khánh thành

Đề án tổng thể đầu tư và phát triển KLH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định (QĐ) 912/QĐ-TTg ngày 1-9-2005. Theo đó, việc triển khai được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị định (NĐ) 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ. Trên thực tế, dự án (DA) đã được triển khai từ ba năm trước! Ngày 29-7-2002 UBND tỉnh Bình Dương có văn bản nêu kết luận của chủ tịch tỉnh trong cuộc họp “tạo nguồn thu ngân sách từ quỹ đất đai được quy hoạch”, UBND tỉnh thống nhất chủ trương quy hoạch KLH.

Tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ912 thì tỉnh Bình Dương đã bồi thường xong 85% diện tích đất quy hoạch, áp dụng theo NĐ22/1998/NĐ-CP năm 1998. Đến tháng 3-2008 tỉnh giải phóng được 4.063ha đất (96,83% diện tích) với tổng số tiền chi trả bồi thường 1.508 tỷ đồng. Theo kết luận của TTrCP, việc bồi thường có nhiều vi phạm, trong đó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã (nay là phường) Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một - Nguyễn Văn Thu bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì nhận hối lộ.

Luật riêng cho "Thành phố mới"?

UBND tỉnh Bình Dương đã giao và cho thuê đất đối với 6 nhà đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) ở “thành phố mới” với tổng diện tích 1.541,53ha. Dù các QĐ ký năm 2006 - 2007 nhưng thực chất UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương này từ năm 2004, thể hiện qua các HĐ được ký kết giữa Ban quản lý KLH và các nhà đầu tư với giá 700 triệu đồng/ha. Chưa làm xong cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng hệ thống nước thải tập trung, nhưng cả 6 nhà đầu tư đều đã ký HĐ cho 65 nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Nhiều nhà đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng vẫn thi công công trình. Theo kết luận của TTrCP, về căn cứ, trình tự thủ tục giao đất, UBND tỉnh Bình Dương đã làm trái NĐ181 (điều 30 và điều 125). Các nhà đầu tư cho thuê lại đất khi chưa đủ điều kiện là trái với quy định của Luật Đất đai 2003 (khoản a điều 110 và khoản d điều 111). Việc xây dựng trái phép có nguyên nhân do buông lỏng quản lý.

Có hai nhà đầu tư là Công ty TNHH Phú Gia (chủ đầu tư KCN Phú Gia) và Công ty cổ phần An Hòa (chủ đầu tư KCN Đồng An II) đã chuyển nhượng toàn bộ DA, thu lợi. Được giao hơn 1,33 triệu mét vuông đất trong KLH, Công ty Phú Gia sau khi đầu tư xây dựng một số hạng mục (trị giá khoảng 161,4 tỷ đồng) thì gặp khó khăn về tài chính. Được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận, Phú Gia ký HĐ ngày 15-2-2007 chuyển nhượng toàn bộ DA cho Công ty Imexco (TPHCM) giá 24,925 triệu USD. Cục Thuế Bình Dương xác định lợi nhuận ròng mà Phú Gia thu được hơn 115 tỷ đồng. Tương tự, được giao 1,58 triệu mét vuông đất, Công ty An Hòa sau khi đầu tư một số hạng mục (trị giá khoảng 163 tỷ đồng) thì chuyển nhượng toàn bộ DA cho Công ty cổ phần Hưng Thịnh (một cổ đông của An Hòa) ngày 8-11-2007 với giá 268,97 tỷ đồng.

Theo kết luận của TTrCP, UBND tỉnh Bình Dương không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của hai công ty Phú Gia và An Hòa, giao đất không đúng trình tự thủ tục theo Luật Đất đai 2003 và NĐ181. Sau một thời gian ngắn, hai doanh nghiệp này đã chuyển nhượng DA, thu lợi nhiều tỷ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội và khiến những hộ bị thu hồi đất bức xúc.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã giao 574,324ha đất “dịch vụ” cho Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu (SX-XNK) Bình Dương và Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt; giao 1.650ha đất “đô thị” cho Tổng công ty Becamex IDC thực hiện DA theo quy hoạch, trong đó có 5 khu tái định cư với 655ha (Báo CATP đã có bài điều tra). Việc giao đất dịch vụ và đô thị cho các nhà đầu tư nhưng UBND tỉnh Bình Dương không thực hiện đấu giá quyền sử dụng là trái với QĐ912 của Thủ tướng Chính phủ.

Dù chưa có QĐ giao đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa được cấp sổ đỏ, nhưng Công ty SX-XNK Bình Dương đã góp vốn với đối tác nước ngoài bằng quyền sử dụng 312ha đất để thành lập hai công ty sân golf và resort. Cụ thể: công ty lấy 162ha đất được định giá 8,1 triệu USD để góp vốn thành lập Công ty CP phát triển Phú Mỹ; dùng 150ha đất định giá 9 triệu USD góp vốn thành lập Công ty CP phát triển và đầu tư Tân Thành. Pháp lý “yếu” như thế nhưng lại được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy phép đầu tư. Còn Công ty Trí Việt được giao hơn 110.000m2 đất đầu tư dự án phim trường, nhưng lại được tính tiền sử dụng đất theo đơn giá đất công nghiệp, gây thất thu cho ngân sách hơn 4,91 tỷ đồng.

Cũng theo TTrCP, tổng nguồn thu dùng để trả nợ vay và chi một số khoản khác có liên quan của Ban quản lý KLH trước thời điểm bàn giao về cho Becamex IDC là hơn 1.801 tỷ đồng. Trong số này có 1.576 tỷ thu từ việc chuyển nhượng đất thô cho các nhà đầu tư thông qua một số HĐ “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực”. Từ các HĐ này, TTrCP phát hiện Công ty Phú Gia còn nợ Ban quản lý KLH 18,96 tỷ đồng, Công ty An Hòa nợ hơn 30,87 tỷ. Cả hai đã chuyển nhượng toàn bộ DA nhưng vẫn chưa thanh toán đủ, vậy mà chủ đầu tư “quên” đối chiếu công nợ?

"Sáng kiến" để hợp thức hóa sai phạm

Trong  Kết luận thanh tra “thành phố mới” số 2623/KL-TTCP ngày 26-11-2008, TTrCP đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng và trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, từ đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ba vấn đề, trong đó có xử lý về kinh tế với tổng số hơn 63,99 tỷ đồng.

Ngày 9-1-2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đồng ý với kết luận và kiến nghị của TTrCP. Yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương căn cứ kết luận thanh tra, khẩn trương thực hiện, xử lý triệt để về kinh tế; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính và đầu tư xây dựng tại địa phương; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân sai phạm; đồng thời xử lý việc các nhà đầu tư chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, các nhà đầu tư thứ cấp tiến hành xây dựng khi chưa có giấy phép; báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2009”.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng như thế nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung làm ngược lại, thể hiện rõ qua Văn bản 72/TB-UBND ngày 1-4-2013 của UBND tỉnh. Trong đó, Chủ tịch Cung cho phép các nhà đầu tư thứ cấp tại KLH chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thoải mái thực hiện bằng giấy phép xây dựng (GPXD) “tạm” do Sở Xây dựng cấp. Đến khi chủ đầu tư cung cấp được sổ đỏ thì cấp  “GPXD chính thức”. Đối với các công trình đã xây dựng nhưng chưa có phép, Sở Xây dựng tạo điều kiện cấp GPXD “tạm” để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ (!).

Chủ doanh nghiệp X. và nhóm cán bộ hưu trí cùng bức xúc đặt câu hỏi: Xây dựng trái phép được Chủ tịch Cung “chấn chỉnh” bằng GPXD “tạm”; vậy những sai phạm khác xảy ra tại “thành phố mới” mà TTrCP kết luận, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, UBND tỉnh Bình Dương “chấn chỉnh”, xử lý thế nào?          


DiaOcOnline.vn - Theo Công An TP. HCM