Top

Chờ Ngân hàng tiết kiệm nhà ở...

Cập nhật 17/12/2013 09:09

Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là một mô hình mới được Bộ Xây dựng đưa vào Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, đồng thời với quy định về việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2017 là thời điểm thích hợp cho sự ra đời của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên tại Việt Nam. Báo Đầu tư Bất động sản ghi nhận ý kiến của nhiều người có liên quan với hy vọng có được một lời giải cho việc phát triển 2 mô hình tiết kiệm nhà ở này.

“Sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường bất động sản”

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Tôi cho rằng, cùng sự phát triển của đất nước, mô hình tiết kiệm nhà ở phù hợp với chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Chúng tôi triển khai mô hình này theo hướng tránh ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Bản thân mỗi hộ gia đình muốn có được chỗ ở đều phải tích cực tham gia.

Theo tôi, chắc chắn mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Mô hình này sẽ tạo được một dòng vốn bên cạnh vốn nhà nước và các ngân hàng thương mại. Mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ huy động một dòng vốn rất lớn từ những người muốn mua nhà và chỉ tập trung vào nhà ở. Chúng tôi dự kiến rằng, dòng vốn này chủ yếu sẽ vào phân khúc nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cũng có những người không đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội, nhưng người ta vẫn tiết kiệm để vay và mua nhà ở thương mại. Đây chính là một nguồn để cầu thực tăng lên. Dòng tiền này đương nhiên sẽ đổ vào thị trường nhà ở và sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

“Giúp thị trường tăng tính thanh khoản”

Ông Pham Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Tôi đánh giá cao ý tưởng đưa Ngân hàng tiết kiệm nhà ở vào Dự thảo Luật nhà ở của Bộ Xây dựng. Đây là một mô hình đã phát huy tác dụng tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khi áp dụng vào Việt Nam thì cần phải cân nhắc kỹ để có những quy định giúp cho ngân hàng này hoạt động hiệu quả.

Trước tiên, tôi cho rằng, với hình thức tham gia là tự nguyện thì những người có điều kiện tham gia vào Ngân hàng tiết kiệm nhà ở phải là tầng lớp có thu nhập trung bình. Những người này đang có nguồn thu nhập tương đối ổn định, nên sẽ tham gia tiết kiệm để mua nhà khi đã tích lũy được khoảng 50% giá trị ngôi nhà.

Thứ hai, mô hình này có nhiều ưu điểm hơn so với Quỹ tiết kiệm nhà ở đang áp dụng thí điểm. Trước tiên là sản phẩm được mua là nhà thương mại, nên không bị ràng buộc nhiều điều kiện. Thứ đến là việc đóng tiền tiết kiệm được áp dụng linh hoạt, có thì đóng, không thì có thể dừng, điều này sẽ không tạo áp lực nặng nề cho người tham gia.

Tôi cho rằng, mô hình này sẽ giúp cho thị trường bất động sản tăng tính thanh khoản, đồng thời, gián tiếp giúp cho các hộ nghèo có nhà ở khi mua lại được các căn hộ nhỏ mà người thu nhập trung bình có nhà mới bán lại.

Còn nếu muốn giải quyết nhà ở cho người nghèo thì phải bằng giải pháp khác, trong đó Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo.

“Cần giảm điều kiện tỷ lệ tiết kiệm”

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM

Tôi cho rằng, ý tưởng thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là rất tốt, bởi hiện nay, nhiều người có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không mua được nhà ở. Vì thế, việc tiết kiệm để mua nhà sẽ trở thành động lực cho nhóm người này.

Tuy nhiên, để ngân hàng phát triển, Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ một gói tín dụng, giống như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để hoạt động. Trong khi đó, việc ngân hàng sử dụng hiệu quả đồng vốn tiết kiệm của khách hàng ra sao cũng rất quan trọng.

Trước đây, chúng ta cũng đã có Quỹ phát triển nhà ở, song quỹ này chỉ phục vụ giới công chức, chứ không phải tất cả người dân. Tại TP. HCM, quỹ này hoạt động 5 - 10 năm rồi, nhưng không thành công, vì dù đã được hỗ trợ từ 300 - 500 tỷ đồng, nhưng chỉ cho vay, chứ chưa đầu tư vào dự án nào.

Với Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, tầm hoạt động của nó rộng hơn, phục vụ nhiều đối tượng hơn, nên về lý thuyết, dễ thành công hơn, nhưng triển khai thực tế, theo tôi là rất khó.

“Cần một nguồn vốn lớn ban đầu”

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng

Thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là một ý tưởng tốt, đã có ở nhiều nước, nhất là các nước châu Âu. Vì thế, tôi cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu làm. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng nó sẽ trở thành "cứu cánh" của thị trường, bởi việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng này chỉ mang tính tự nguyện, chứ không giống với Quỹ tiết kiệm nhà ở.

Tôi cho rằng, để ngân hàng này đi vào hoạt động, sẽ phải cần một nguồn vốn lớn ban đầu, để người dân có thể sớm vay được tiền mua nhà, bởi ở Việt Nam, nếu làm cái gì mà không sớm thấy hiệu quả thì không ai làm cả.

Ngoài ra, theo tôi, quy định phải tiết kiệm đủ 50% mới được mua nhà là quá dài. Nếu tỷ lệ góp vốn không được giảm xuống thêm, với thu nhập và giá nhà đất hiện nay, tôi cho rằng, sẽ không ai dám góp tiết kiệm vào ngân hàng để chờ mua nhà.

Mặt khác, nếu được thành lập, thì Ngân hàng tiết kiệm nhà ở và Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ có sự chồng chéo đối tượng, cụ thể là nhóm đối tượng công chức nhà nước. Vì thế, nếu được thành lập, muốn được người dân góp tiền tiết kiệm, đòi hỏi ngân hàng phải có chính sách hay, chứ nếu không, thuyết phục thế nào cũng không ai tin. Dù vậy, đây là một ý tưởng hay, nên làm và cần có sự tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia. Một khi người dân đã có ý thức tiết kiệm để mua nhà, thì việc góp tiền vào Ngân hàng tiết kiệm nhà ở để mua nhà sau này sẽ trở thành động lực của nhiều người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán