Top

Chạy đua mở mặt bằng bán lẻ

Cập nhật 24/11/2009 08:30

Mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM dù giá cao, vẫn khó tìm. Ảnh: Minh Phúc

Hàng trăm ngàn mét vuông mặt bằng bán lẻ sắp ra đời, nhưng lượng cung này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, theo dự báo của công ty Tư vấn bất động sản (CBRE).

TP.HCM hiện có 15 trung tâm thương mại, trong đó chín trung tâm thuộc các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài như Diamond Plaza (có vốn của Hàn Quốc), Parkson (có vốn của Malaysia)… Hầu hết các mặt bằng bán lẻ này đều đã kín chỗ.

Cuộc chạy đua xí chỗ

Hệ thống siêu thị Maximark, Co.opmart, Citimart, Vinatexmart… đang chuẩn bị để cuối năm 2009 sẽ khai trương khoảng bốn điểm kinh doanh mới và đầu năm 2010 (trước tết Nguyên đán) sẽ khai trương tiếp ba siêu thị mới nữa.

Đầu tháng 12, tại 431 Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), công ty Phan Khang sẽ khai trương trung tâm mua sắm phức hợp có tổng diện tích là 7.500m2, gồm năm tầng. Pico Plaza (Hà Nội) chuẩn bị đưa vào kinh doanh một trung tâm kinh doanh hàng điện máy tại Hà Nội với diện tích 5.000m2. Nhà bán lẻ này còn có kế hoạch “Nam tiến” để mở một trung tâm điện máy và hàng kỹ thuật số. Thiên Hoà cũng không thua kém các nhà bán lẻ khác khi chuẩn bị khai trương một siêu thị với diện tích khoảng 3.000m2 tại Gò Vấp (TP.HCM). Trong tháng 12 tới, công ty Tân Hoàng Châu cũng khai trương tại Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) siêu thị với diện tích 1.000m2. Điện máy Chợ Lớn, trong tháng 1.2010 sẽ đưa hai siêu thị với diện tích khoảng 5.000m2, trong đó có một siêu thị với diện tích khoảng 2.000m2­ tại Tân Bình (TP.HCM) vào hoạt động.

Ngoài ra, nhiều mặt bằng bán lẻ mới đang chuẩn bị ra mắt, như dự án The Flemington đường Lê Đại Hành (quận 11, TP.HCM) có tổng diện tích sàn 25.458m2, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2009 này. Những trung tâm thương mại khác cũng chuẩn bị khai trương như: The Everich quận 10, Saigon Palace quận 11, Kumho Asiana quận 1…

Giá vẫn cao

Bình luận về hiện tượng các nhà bán lẻ đua nhau mở mặt bằng, giám đốc kinh doanh một siêu thị điện máy lớn tại TP.HCM nói rằng, đó là xu thế tất yếu khi các nhà bán lẻ có đủ vốn và lực để kinh doanh. “Nếu quan sát, những điểm mới thường tập trung ở các quận huyện ngoại thành vì họ đón đầu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Mặt khác, tìm mặt bằng ở các quận nội thành vừa giá cao vừa không có đủ diện tích, còn ở ngoại thành dễ hơn, chi phí thấp hơn”, vị giám đốc kinh doanh này phân tích.

Giá cho thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố ở mức bình quân là 100 USD/m2/tháng. Theo nhận định của CBRE, thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM còn xa mới tới điểm bão hoà. So với Hà Nội, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM cao hơn nhiều, nhưng những trung tâm thương mại vẫn còn ít diện tích trống để cho thuê.

Đáng chú ý là những mặt bằng bán lẻ mới ra đời, cũng chưa làm giảm áp lực tăng giá của thị trường. Cụ thể giá thuê mặt bằng để mở siêu thị mới ở khu trung tâm thành phố, hiện nay vẫn là 35 – 40 USD/m2. Giá mời thuê mặt bằng của những dự án sắp khai trương có nơi lên đến 185 USD/m2.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị