Top

“Bó tay” với xây dựng sai phép, không phép?

Cập nhật 15/12/2016 14:54

Tình trạng xây dựng không phép, sai phép là chuyện không mới nhưng luôn làm bức xúc dư luận. Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng TPHCM nhiều lần lên tiếng quyết dẹp bỏ, truy trách nhiệm đối với những người quản lý, nhưng sự việc vẫn chưa có điểm dừng.

Vi phạm tràn lan

Việc không kiên quyết xử lý dứt điểm nhiều trường hợp xây dựng không phép, sai phép cũng như lấn chiếm kênh rạch tại quận 7 nói riêng và trên địa bàn TP nói chung, đã để lại hậu quả không nhỏ. Nhiều người dân mua nhà xây dựng trên đất lấn chiếm có nguy cơ bị “đẩy ra đường”, nếu những công trình này buộc phải tháo dỡ. Vì sao nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm? Trách nhiệm của UBND phường, của Thanh tra xây dựng địa bàn… ở đâu?
 

Ngày 20-11-2015, UBND quận 7 cấp giấy phép xây dựng 1706/GPXD-UBND cho ông V.N.S xây dựng công trình thể dục thể thao trên khu đất hơn 324m2 tại phường Bình Thuận. Tuy nhiên chủ đầu tư đã không xây dựng công trình thể dục thể thao mà xây dựng nhà ở, sử dụng sai công năng, chuyển từ mục đích sử dụng cho thể dục thể thao sang nhà ở, xây tăng chiều cao. Sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt hành chính và buộc cưỡng chế. Nhưng thực tế công trình lại phát sinh một số hạng mục chưa được đội thanh tra địa bàn lập biên bản, khác biệt so với quyết định cưỡng chế, nên công trình… chưa thể cưỡng chế. Ngoài công trình nói trên, ông N. còn xây 2 dãy nhà (mỗi dãy 3 căn) trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu lấn chiếm ao rạch, các căn nhà trên đang trong quá trình hoàn thiện.

Tại quận 7, còn có nhiều trường hợp lấn chiếm kênh rạch làm nhà ở, chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác như trường hợp ông Tr.V.H. tại khu phố 5, phường Bình Thuận. Ngoài diện tích đất hợp pháp được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, ông H. còn lấn chiếm kênh rạch với diện tích gần 950m2.

Hành vi lấn chiếm kênh rạch, san lấp trái phép của ông H. đã bị cơ quan chức năng xử phạt 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên UBND phường Bình Thuận vẫn chưa tổ chức cưỡng chế theo quyết định của UBND quận 7. Mới đây, qua kiểm tra thực tế, Phòng Quản lý Đô thị quận phát hiện chủ đầu tư đã trồng 27 cây lộc vừng dọc hành lang kênh rạch đã lấn chiếm.

Theo phản ánh của người dân ở khu phố 5, phường Bình Thuận, những vụ san lấp kênh rạch, xây dựng sai phép, không phép nói trên không phải mới diễn ra mà đã có từ lâu. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền thiếu kiên quyết mới gây nên hậu quả như vậy.

Mới đây, một người dân ở hẻm 376 đường Huỳnh Tấn Phát phản ánh với đường dây nóng của lãnh đạo TP, cho biết họ muốn mua đất ở hẻm này để xây nhà ở, nhưng tìm hiểu tại địa phương được biết khu vực này bị quy hoạch nên không xây nhà được. Nhưng sau đó, cũng chính khu vực này lại có hàng chục căn nhà lầu được mọc lên và treo bảng bán.

Giơ cao đánh khẽ?

Mới đây, tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 3, Khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Nga dẫn chứng một kết quả kiểm tra gần đây, trên 2/3 công trình chung cư cao tầng đều có sai phạm về xây dựng sai công năng, cơi nới, chia nhỏ căn hộ dẫn đến không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. “Thiệt hại của người dân ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm cơ quan thanh tra như nào khi để xảy ra tình trạng trên?” - đại biểu Nga hỏi.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, không trả lời trực tiếp những nội dung này, mà mở rộng phần trả lời sang việc chấn chỉnh, quản lý lực lượng thanh tra. Theo ông Tuấn, hiện lực lượng thanh tra xây dựng có 1.044 người, phân tán ở các địa bàn nên phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm người đứng đầu là đội trưởng các đội thanh tra. Lực lượng thanh tra do làm việc chủ yếu tại công trường, tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, nên sự giám sát của cộng đồng cũng bị hạn chế, từ đó dẫn đến những tiêu cực trong lực lượng.

“Chúng tôi đã xử lý rất kiên quyết, nhưng đây là vấn đề quản lý con người, rất phức tạp. Đơn cử số lượng cán bộ thanh tra bị xử lý kỷ luật ngày càng tăng. Năm 2013 chỉ có 47 trường hợp, năm 2016 có 95 trường hợp. Tổng cộng đã có 283 công chức, nhân viên bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Chính vì vậy khi nhận được phản ánh, sở đều có chỉ đạo kiểm tra xử lý theo quy định. Thậm chí có chứng cứ sai phạm là đình chỉ công tác ngay để kiểm tra, kể cả lãnh đạo thanh tra” - ông Tuấn cho biết.
 


Sau 5 năm kiểm tra, xử lý, khu đất san lấp kênh rạch trái phép đã thành... nhà ở.  Ảnh: B.MINH

Thực tế tình trạng xây dựng không phép, sai phép tại quận 7, người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh đến UBND phường nhưng không ăn thua. Chính quyền địa phương có lập biên bản san lấp, lấn chiếm kênh rạch trái phép, thế nhưng khi cơ quan chức năng rút đi, việc san lấp không chỉ tái diễn như cũ mà ngày càng phình to hơn. Mỗi khi người dân phản ánh, phường lại cho người đến kiểm tra, lập biên bản, nhưng sau đó vẫn đâu vào đó.

Không chấp nhận kiểu giải quyết “nửa vời” của chính quyền địa phương, người dân phản ứng quyết liệt. Lúc này, UBND phường Bình Thuận mới ra quyết định đình chỉ thi công công trình và cưỡng chế vi phạm, đồng thời ban hành kế hoạch, thông báo cụ thể thời gian cưỡng chế vi phạm cho người dân biết. Cứ tưởng mọi việc đã được xử lý dứt điểm, thế nhưng theo người dân, những biện pháp xử lý trên tiếp tục chỉ diễn ra trên giấy.

Không chỉ vậy, việc lập biên bản vi phạm xây dựng không phép, sai phép tại một số công trình của UBND phường Bình Thuận cũng không đúng với hiện trạng thực tế, gây khó khăn cho việc xử lý. Cụ thể, trường hợp bà N.T.D.C. được UBND quận cấp phép xây dựng công trình tạm để phục vụ cho ươm cây, gồm 2 dãy nhà 10,8x20m và 3,8x20m với quy mô 1 lầu.

Nhưng bà C. xây dựng 2 lầu và biến thành nhà ở và bị UBND phường Bình Thuận lập biên bản vi phạm hành chính ngày 25-4-2016, với quy mô sai phạm là 7x25m x 1 lầu, nhưng qua kiểm tra thực tế sai phạm đến 2 lầu. Từ đó Phòng Quản lý Đô thị buộc phải có tờ trình xin ý kiến Thường trực UBND quận hủy quyết định xử phạt của UBND phường về trường hợp trên vì chưa đúng với thực tế.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư