Top

Biến đất đai thành nguồn lực xã hội

Cập nhật 09/08/2011 10:30

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ phát biểu: "Quy hoạch sử dụng đất hiện vẫn chỉ quan tâm tới tổng diện tích từng loại đất, mà không quan tâm tới không gian sử dụng đất". Theo ông Võ, bên cạnh hệ thống phân loại đất, cần đưa ra hệ thống không gian sử dụng đất như khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng…

Nhiều bất cập

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, có mối quan hệ ràng buộc giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất. Trong nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có quy định xác định diện tích các loại đất phân bổ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xác định diện tích phải thu hồi để thực hiện các công trình, dự án, cụ thể hóa kế hoạch sử dụng đất 5 năm và từng năm. Những yêu cầu này trực tiếp tác động đến phát triển, quản lý đô thị và cũng là yêu cầu trong nội dung quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa thực hiện được.

Về vấn đề này, ông Chung chỉ rõ hơn, những bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không chỉ tồn tại ở chính nội tại của từng loại quy hoạch, mà còn giữa các loại quy hoạch với với nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường bất động sản.

Lấy dẫn chứng từ hơn 160 dự án bất động sản sẽ phải điều chỉnh, thậm chí có dự án sẽ bị "xóa sổ" vì nằm trong vành đai xanh của Thủ đô sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Chung cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do thiếu quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp, thiếu quy định về thống nhất thời hạn và tầm nhìn chiến lược quy hoạch để các địa phương có căn cứ xây dựng các chương trình phát triển phù hợp.

Kiến nghị tháo gỡ


Về bản chất, các chính sách về đất đai tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản là một quy trình biến đất đai từ một nguồn tài nguyên trở thành nguồn lực xã hội, nguồn tài sản có giá và đích đến là nguồn vốn trong xã hội. Theo ông Chung, việc tiến hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một quá trình mà đích đến là quy hoạch phải đạt được tính phủ trùm, tính đồng bộ, tính thống nhất, tính ổn định và tính chế tài; đặc biệt, kế hoạch sử dụng đất phải có tính hiện thực.

Ông Chung kiến nghị, cần đẩy mạnh phối hợp quy hoạch đất đai với quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triền kinh tế - xã hội; nhất là quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng như quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị và nhà ở. Đồng thời, quy định cụ thể chế độ công khai quy hoạch để nhân dân biết và thực hiện, tạo điều kiện cho NĐT dễ dàng tiếp cận thông tin về quy hoạch, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch khác.

Đúc kết từ thực tế sau nhiều năm quản lý quy hoạch tại Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, hiện trạng phân loại theo Luật Đất đai về nhóm đất phi nông nghiệp cho thấy loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất sử dụng vào mục đích công cộng là chưa phù hợp với tổ chức không gian trong đô thị, rất cần điều chỉnh. Nhóm đất chưa sử dụng cũng cần phân loại cụ thể hơn để phù hợp với phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, các đô thị có xu hướng mở rộng, nhiều đô thị phát triển theo cấu trúc chùm đô thị, do vậy có tồn tại ngoại thành, ngoại thị. Hiện tượng chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong các đô thị, nhất là vùng ven đô, cần phải được quản lý chặt chẽ, mà giải pháp hiệu quả nhất là xác định rõ, phân công, phân cấp các cơ quan quản lý chuyên môn ở cấp tỉnh và trách nhiệm quản lý ở cấp quận, cấp xã của ngành địa chính và xây dựng.

Ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam cho biết, từ 82.000 héc-ta hiện nay, đất khu công nghiệp sẽ tăng lên mức 350.000 - 400.000 héc-ta vào năm 2020. Vì vậy, việc khắc phục nhược điểm phát triển tràn lan khu công nghiệp, đảm bảo lộ trình lấp đầy; việc khai thác sử dụng đất khu công nghiệp gắn liền với nhiệm vụ xử lý chất thải và bảo vệ môi trường phải trở thành điều kiện tiên quyết khi vận hành các khu công nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Huyên, cơ sở dữ liệu về đất đai là "đầu vào" quan trọng khi lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất cần phải được hình thành và quản lý thống nhất. Yêu cầu này có liên quan chặt chẽ với hoạt động đăng ký, thống kê đất đai. Việc công khai quy hoạch sử dụng đất là "đầu ra" quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất phải được thực hiện nghiêm túc theo những trình tự chặt chẽ. Đây chính là điều kiện để có thể xã hội hóa công tác quy hoạch sử dụng đất.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán