Top

Ước mơ metro ở TP.HCM - Bài 1:

Bến Thành - Suối Tiên tuyến đầu khó khăn

Cập nhật 05/04/2010 14:10

Cuối thế kỷ trước, TP.HCM đã quy hoạch sơ bộ sáu tuyến metro. Đến đầu thế kỷ này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch trên và chỉ đạo lấy tuyến Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) dài 19,7 km để làm điểm.

Theo quy hoạch đến sau năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng xong bảy tuyến metro dài 114 km và ba tuyến xe điện mặt đất dài hơn 32,5 km. Đây là những công trình mới với khối lượng khổng lồ nhằm mang lại bộ mặt giao thông đô thị hiện đại cho TP.

Đi nông hay sâu?


Suốt từ năm 2001 đến 2007, nhiều cuộc tranh cãi về hướng tuyến, cách thức xây dựng tuyến metro này diễn ra giữa hai trường phái: kinh điển và dân sinh. Theo các cơ quan tư vấn, tuyến metro từ Bến Thành chui ngầm dưới đường Lê Lợi, băng phía dưới Nhà hát lớn đến cuối khu vực Nhà máy Ba Son sẽ chui lên đi nổi với chiều dài khoảng 2,6 km. Tuyến đường tiếp tục đi nổi qua sông Sài Gòn, chạy song song phía bên trái xa lộ Hà Nội để đến ga cuối là Suối Tiên.

Đại diện Ban Quản lý dự án 9, Bộ Quốc phòng (theo trường phái kinh điển) cho rằng đoạn đi ngầm qua khu vực Nhà máy Ba Son cần đi sâu dưới lòng đất hơn 70 m thay vì đi âm khoảng 20 m như tư vấn đưa ra. Mặt khác, theo mô hình của nước Nga trong chiến tranh thế giới thứ hai, metro đi sâu còn là những boongke chứa quân đội và vũ khí khi có chiến tranh xảy ra (!?).

Tại một cuộc tranh luận, người của cơ quan tư vấn kể câu chuyện quân đội Mỹ sử dụng máy bay có hướng dẫn, định vị bằng vệ tinh ném bom xuyên phá đánh sập hàng loạt hang sâu hàng trăm mét mà quân Taliban dùng làm nơi ẩn nấp tại vùng núi giáp biên giới Afghanistan và Pakistan. Đến đây, đại diện Ban Quản lý dự án 9 mới “lật bài”: Ba Son chưa có vốn để thực hiện di dời theo quy hoạch. Hơn nữa, nếu có vốn thì phải đến sau năm 2010 mới có thể chuyển đi được do cần thời gian xây nhà máy ở địa điểm mới.


Lãnh đạo TP.HCM và Bộ GTVT nhấn nút khởi công xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên ngày 21-2-2008.

Theo ông Nguyễn Kim Lăng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam), hệ thống metro hiện đại của các nước thường đi ngầm rất ngắn, chủ yếu là dưới các khu phố cổ, cần lưu giữ các công trình kiến trúc quan trọng ở bên trên, còn lại phần lớn toàn tuyến là đi độc lập trên cao. Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến metro dân sinh, nếu đi sâu thì phải đi ngầm vượt qua cả sông Sài Gòn sang quận 2 mới ngoi lên đi nổi được nên chi phí xây dựng sẽ rất cao.

Và đi vòng hay thẳng?

Cũng tại một cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Trần Bá Luân cho rằng đoạn đi nổi gần ga cuối nên chuyển hướng đi bên phải quốc lộ 1A. Theo dự án, toàn tuyến và các ga từ nội đô TP.HCM ra đều chạy dọc theo bên trái xa lộ Hà Nội đến quốc lộ 1A. Ga cuối cũng vậy, sẽ nằm đối diện với khu du lịch Suối Tiên nhưng thuộc phần đất của tỉnh… Bình Dương (!). “Chỉ trong một đoạn ngắn gần 2 km mà tuyến metro lúc đi bên trái, lúc đi bên phải quốc lộ 1A sẽ làm phát sinh kinh phí xây dựng và gây khó cho việc vận hành sau này!” - ông Lăng phản đối.

Theo ông Nguyễn Việt Sơn (lúc đó là phó giám đốc Sở Giao thông công chánh), tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên không chỉ là tuyến metro đầu tiên của TP.HCM mà là của cả khu vực, của cả nước nên cần được sự chia sẻ, chung tay xây dựng của các ngành, các tỉnh, TP… “Dự án được vay ưu đãi từ nguồn vốn ODA với thời hạn 40 năm (có thể ân hạn thêm 10 năm) và lãi suất chỉ là 0,4%/năm. Nếu chúng ta không triển khai sớm thì tất cả cơ hội tốt nhất sẽ bị bỏ lỡ. Dự án buộc phải dời đến 10-15 năm nữa!” - ông Sơn nói.


Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải ký tên vào bảng đá ghi dấu ngày khởi công xây dựng tuyến metro đầu tiên của Việt Nam, Bến Thành – Suối Tiên.

Vừa làm vừa xin cơ chế

Sau nhiều cuộc tranh luận, bàn thảo, ngày 21-2-2008, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công với hạng mục depot rộng 24 ha tại phường Long Bình, quận 9. Tháng 1-2009, Bộ GTVT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, công trình được khởi công gần một năm nhưng Xí nghiệp liên hiệp Ba Son vẫn chưa di dời, bàn giao mặt bằng. Vì vậy, Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và UBND TP.HCM đều có ý kiến chính thức đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để phối hợp với Bộ Quốc phòng đảm bảo bàn giao mặt bằng Ba Son khoảng tháng 9-2010.

Cạnh đó, theo tính toán sơ bộ ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1,1 tỉ USD. Nay theo tính toán chi tiết của tư vấn chung, tổng mức đầu tư là 2,3 tỉ USD. Tính ra tổng mức đầu tư tăng 197% và đã vượt quá 20.000 tỉ đồng. Vì vậy, theo quy định, Chính phủ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, dự kiến việc đấu thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu sẽ xong vào tháng 9-2009, ký kết hợp đồng tháng 12-2009 và sẽ khởi công các hạng mục chính vào đầu năm 2010. Vì vậy, UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ sớm chủ trì xây dựng quy chế và quy định riêng cho việc quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác, vận hành hệ thống metro.


Sơ đồ hướng, tuyến, nhà ga của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Theo ông Lê Khắc Huỳnh - Chánh văn phòng Ban Quản lý đường sắt đô thị, tổng mức đầu tư đang được tư vấn độc lập thẩm định và sẽ được các cơ quan chức năng quyết định thông qua trong thời gian tới. Việc đấu thầu, thẩm định, phê duyệt các gói thầu của từng hạng mục diễn ra bình thường và đến giữa năm nay sẽ khởi công xây dựng phần đi nổi trên cao. Đến năm 2014 sẽ hoàn thành toàn tuyến, đưa vào chạy thử và năm 2015 chính thức đưa vào vận hành khai thác.

Các thông số về tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Suốt tuyến: 14 nhà ga. Khổ đường ray: 1.435 mm. Tốc độ chạy tàu tối đa 110 km/giờ và tốc độ khai thác 70 km/giờ.

Dự kiến: 5-6 phút/chuyến.

Lượng hành khách dự tính:

Năm 2015: 150.000 hành khách/ngày.

Năm 2021: 440.000 hành khách/ngày.

Metro ở một số nước

London (Anh): Được xây dựng từ năm 1863. Đến nay đã có 415 km và 378 điểm dừng, đạt năng lực vận chuyển 2,3 triệu hành khách/km/năm, vận tốc trung bình đạt 33 km/giờ.

New York (Mỹ): Được xây dựng từ năm 1894. Đến nay đã có 471 km và 468 điểm dừng, đạt 3 triệu hành khách/km/năm, vận tốc 29 km/giờ.

Paris (Pháp): Được xây dựng từ năm 1900. Đến nay đã có 214 km và 384 điểm dừng, đạt 4 triệu hành khách/ngày với vận tốc 22 km/giờ. Đặc biệt là đường xe số 14 khai trương năm 1998 hoạt động với các xe hoàn toàn tự động (không người lái).

Moscow (Nga): Được xây dựng từ năm 1935. Đến nay đã có 265 km và 164 điểm dừng, đạt 12,1 triệu hành khách/km/năm, vận tốc 41 km/giờ.


>>Nước ngoài hăm hở vào cuộc


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP