Top

Bất động sản thời "cơm không lành, canh không ngọt"

Cập nhật 22/03/2012 13:10

Hiện nay, không chỉ người mua nhà để ở mà một số nhà đầu tư cũng như "ngồi trên đống lửa" bởi đã trót bỏ tiền vào những dự án chưa khởi công hoặc động thổ xong thì “bất động”. Đa số các dự án trong diện này đều có tính pháp lý thấp như đang chạy thủ tục hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa đủ điều kiện đã huy động vốn. Nhiều người mếu dở vì trót lâm vào cảnh 'thả gà ra đuổi'.

Các dự án này đều có tính pháp lý thấp như đang chạy thủ tục hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa đủ điều kiện đã huy động vốn

Thiệt đủ đường

Trong thời gian gần đây, sự việc hơn 100 khách hàng kéo đến đòi lại tiền đã góp vốn vào dự án nhà ở chung cư Binh đoàn 12 do Công ty cổ phần BĐS Thuận Thành làm chủ đầu tư đã gây xôn xao dư luận.

Được biết, kể từ khi huy động vốn của khách hàng đến nay đã hơn 2 năm, nhưng chủ đầu tư mới chỉ “khởi công” mỗi cổng ra vào treo biển tên dự án và hàng rào quây tôn xung quanh, còn lại bên trong vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Một người mua nhà dự án này cho biết: “Vợ chồng em vay mượn khắp nơi mới đủ tiền góp vốn vào đây, những tưởng sẽ có nhà ở để thoát khỏi cảnh đi thuê, không ngờ lại rơi vào tình cảnh này. Chúng em không biết phải làm thế nào nữa”. Một người khác còn bức xúc: “Tôi mua cản hộ lúc dự án đang sốt, mua lại của một người khác nên mức giá còn cao hơn so với giá sàn 2 triệu đồng/m2. Tình hình này, tôi chỉ mong nhận lại được vốn thôi chứ nhà thì chẳng dám mơ nữa”.

Lâu nay, chúng ta đã quen với việc chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS huy động vốn từ người có nhu cầu mua nhà thông qua các loại hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng hợp tác đầu tư… Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi ích lớn từ việc huy động vốn của khách hàng với hy vọng mua được nhà trong tương lai. Còn khách hàng phải bỏ ra một món tiền không nhỏ để mua nhà chỉ có trên giấy tờ chứ thực tế chưa thấy đâu, và khách hàng sẽ là người chịu thiệt khi dự án xảy ra rủi ro.

Tương tự, dự án CT1 Vân Canh do Công ty cổ phần BĐS AZ làm chủ đầu tư, đã huy động vốn của khách hàng từ đầu năm 2010 dưới hình thức hợp đồng vay vốn. Nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống cùng một số cọc móng. Một khách hàng mua dự án này bức xúc: “Mấy lần chúng tôi gặp chủ đầu tư để nói chuyện dự án nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng, hoặc chỉ là những lời hứa suông”. Một người khác cho biết, gia đình chị đã vay ngân hàng để thực hiện hợp đồng góp vốn, những tưởng sẽ có nhà vào quý IV/2012 theo cam kết ban đầu của chủ đầu tư. Nhưng đến nay dự án vẫn nằm im trong khi đó hàng tháng tôi vẫn phải trả lãi ngân hàng với mức lãi xuất cao.

Thực tế cho thấy, có nhiều chủ đầu tư còn tung chiêu khuyến mại “độc” trong thời điểm BĐS trầm lắng nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thu tiền của khách hàng, dự án vẫn không hề được triển khai, mà vẫn chỉ là những bãi đất trống.

Năm 2010, dự án chung cư mini đầu tiên tại TP.HCM được quảng cáo do Công ty Vinacomplex đầu tư xây dựng tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình tung chiêu mua nhà tặng ôtô, Vespa, đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng. Nhiều người “góp vốn” vào dự án này với số tiền hàng tỷ đồng. Nhưng sau đó, dự án đã lộ rõ nhiều khuất tất về mặt pháp lý và vẫn là khu đất trống, khi đó những khách hàng đầu tư vào dự án vội đi đòi lại tiền.

Sau nhiều lần hẹn, ông Dương Mạnh Hùng - Giám đốc Vinacomplex đã trả lại cho khách hàng khoảng 30% số tiền mà họ đã nộp cho công ty, tương đương 100 triệu đồng, số còn lại, khách hàng nhiều lần đến đòi nhưng không được. Một người mua căn hộ dự án này cho biết, tôi đã đóng hơn 250 triệu đồng, bốc thăm trúng thưởng được xe Vespa. Thế nhưng nhà không thấy, mà xe trúng thưởng càng bặt tăm. Đi đòi tiền thì chỉ lấy được 100 triệu đồng, số còn lại đòi mãi không được. Tình cảnh của họ chẳng khác nào 'thả gà ra đuổi'.

Không còn “cơm lành – canh ngọt”

Nếu như cách đây 2, 3 năm, thị trường BĐS nhộn nhịp kẻ bán người mua, thì mối quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng quả là thân thiết, bởi ai cũng nhìn thấy món lợi từ việc bắt tay này. Khi thời thế đổi thay, thị trường BĐS ảm đạm, đồng tiền trở nên khan hiếm, các ngân hàng thắt chặt tín dụngcác khách hàng không còn mặn mà với việc mua nhà tại các dự án nữa, họ liền quay sang đòi tiền các chủ đầu tư và việc kiện cáo là điều không tránh khỏi.

Điển hình trong những tháng gần đây, số vụ kiện tụng giữa chủ đầu tư và khách hàng mua nhà có xu hướng ra tăng. Điển hình, vụ tranh chấp lớn xảy ra dự án Xuân Phương (Viglacera), Mỗ Lao, Nam Cường.... Theo nhận định của nhiều luật sư thì để giải được các mâu thuẫn này cực kỳ gian nan.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những khiếu nại liên quan đến các dự án nhà ở chủ yếu do các chủ đầu tư đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng pháp lý. Theo quy định của Luật Nhà ở, chủ đầu tư chỉ được bán nhà khi thiết kế công trình đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng. Song nhiều chủ đầu tư đã “lách” luật thông qua hợp đồng huy động vốn, góp vốn, vay vốn để thực hiện quá trình mua bán nhà trên giấy. Theo đó, khách hàng sẽ tự nguyện góp với chủ đầu tư một khoản tiền tương đương với số tiền mua nhà, đất. Đổi lại, họ sẽ được ưu tiên mua căn hộ ở vị trí đẹp, thậm chí mua nhiều căn hộ một lúc.

Với những hợp đồng góp vốn chặt chẽ thì khách hàng chỉ còn nước chịu thua. Tuy nhiên, nếu hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng thiếu chặt chẽ thì khả năng lấy lại tiền của khách hàng cũng là rất khó, bởi nhà đầu tư đang trong tình trạng “cạn kiệt”.

Các luật sư cảnh báo rằng, ngay cả khi các chủ đầu tư phá sản thì khả năng lấy lại một phần tài sản của khách hàng cũng là việc không dễ bởi sau khi phá sản, tài sản phát mại để lấy tiền trả các chủ nợ có bảo đảm trước (thường là các ngân hàng trước đó các chủ đầu tư đã vay vốn), nếu còn dư mới đến lượt khách hàng mua nhà.

Theo đó, bài học sâu sắc dành cho khách hàng sau khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nhà trên giấy chính là sự cẩn trọng khi tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin về dự án cũng như năng lực thật sự của các chủ đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN