Top

Bất động sản giảm giá, “về quê” kiếm khách

Cập nhật 05/10/2013 08:29

Hàng hóa bất động sản tồn đọng nhiều buộc các chủ đầu tư tại Hà Nội phải đưa ra nhiều “chiêu thức” đẩy nhanh hàng tồn kho, phần nào làm nóng thị trường bất động sản vốn trầm lắng bấy lâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chưa hẳn là các giải pháp căn cơ.

Cuộc đua giảm giá

Thị trường bất động sản Hà Nội vừa ghi nhận thêm dự án nhà ở xã hội mới với giá bán dự kiến từ 10,3 - 10,8 triệu đồng/m2. Đó là dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người thu nhập thấp Bắc Cổ Nhuế - Chèm do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư. Dự án này là một tổ hợp gồm 4 tòa nhà chung cư 12 tầng, được xây dựng trên khu đất hơn 2 ha.

Nhiều dự án bất động sản gần đây có mức giá hấp dẫn. Trong ảnh: Dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Việt Hưng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

So với một số dự án nhà ở xã hội khác thường nằm khá xa trung tâm thì dự án mới này lại có vị trí thuận lợi hơn khi nằm trong quần thể quy hoạch đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, có hạ tầng xã hội tốt, hệ thống giao thông về cơ bản đã hoàn thiện. Các căn hộ được thiết kế hợp lý, nhiều loại diện tích từ 36,5 m2 đến 69,6 m2. Như vậy, mỗi căn hộ có giá khoảng gần 400 - 700 triệu đồng, đây được xem là mức giá khá hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Không chỉ nhà ở xã hội mà hầu hết các dự án nhà ở thương mại mở bán trong thời gian gần đây đều xung quanh ngưỡng 15 triệu đồng/m2. Các dự án này tìm cách hấp dẫn người mua bằng cách đưa ra các chương trình khuyến mại, hỗ trợ tín dụng, có thể bàn giao sớm như dự án Sail Towers, HUD3 Towers, CT2 Tân Tây Đô... Mới đây nhất, doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã mở bán khoảng 1.000 căn hộ CT12 thuộc khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) với mức giá chào bán từ 10 - 14,5 triệu đồng/m2, diện tích 45 - 70 m2. Một số dự án hấp dẫn người mua do có vị trí giao thông thuận lợi...

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, các dự án phải giảm giá bởi chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, rất cần tiền mặt. Đây là hậu quả của việc bất động sản đóng băng quá lâu, doanh nghiệp thiếu tiền mặt trầm trọng. Ông Đực cho rằng, tiến độ “vỡ trận” có thể sẽ dồn dập hơn vào thời gian tới, nghĩa là, sẽ có thêm nhiều chủ đầu tư hạ giá nhà bán.

Hướng về tỉnh lẻ

Trong thời điểm bất động sản còn nóng, việc các dự án bất động sản tại các tỉnh miền Trung, miền Nam được tiếp thị, quảng bá rầm rộ tại Hà Nội không có gì lạ. Nhưng trong thời điểm hiện nay, tình thế đã đổi ngược. Việc đưa các dự án nhà ở tại Hà Nội về chào bán tại các tỉnh trước đây thường hiếm gặp thì nay lại xuất hiện khá nhiều. Theo các chuyên gia bất động sản, số lượng người ngoại tỉnh có nhu cầu sở hữu nhà tại Hà Nội lâu nay vẫn rất lớn. Nhưng vấn đề này trước đây chưa được các đơn vị kinh doanh bất động sản chú ý.

Mới đây, ngày 18/9, Savills Việt Nam, một công ty chuyên phân phối bất động sản đã đưa các dự án: Hồ Gươm Plaza, Hòa Bình Green City và Thăng Long Number One đến Hạ Long (Quảng Ninh) để tiếp thị, tìm nguồn khách mới. Trước đó, Công ty Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest) đã đem dự án Nam Đô Complex đi chào bán tại nhiều địa phương lân cận Thủ đô như Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam... Còn Công ty Đầu tư Minh Việt có cả một văn phòng tại TP Hạ Long để giới thiệu và bán căn hộ thuộc dự án Tricon Tower (huyện Hoài Đức).

Trong khi đó, theo khảo sát của Savills Việt Nam, các tỉnh, thành có mặt bằng kinh tế tương đối khá ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương là những nơi có khách hàng tiềm năng hơn cả đối với các chủ đầu tư dự án tại Hà Nội.

Việc doanh nghiệp bất động sản đem sản phẩm của mình về các tỉnh để giới thiệu, chào bán phần nào thể hiện sự linh hoạt, vượt qua khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, xu hướng này không có gì mới. Một nửa căn hộ tại khu đô thị Linh Đàm là khách ngoại tỉnh mua. “Điều khác biệt là, trước đây, các chủ đầu tư không cần quảng cáo gì thì khách hàng ở các tỉnh vẫn ồ ạt đổ về mua hàng. Còn nay, chủ đầu tư phải sử dụng nhiều chiêu tiếp thị, khuyến mãi mới mong bán được hàng”, ông Liêm nói.

Mặc dù vậy, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, những giải pháp gần đây của các doanh nghiệp bất động sản chỉ là giải pháp nhất thời nhằm kích cầu, đẩy nhanh tồn kho bất động sản chứ chưa phải giải pháp lâu dài. Thay vào đó, cần phải rà soát lại tất cả các dự án hiện nay để xác định trọng tâm ưu tiên trong cơ cấu dự án bất động sản. Cần coi việc phát triển nhà ở xã hội là ưu tiên số 1 bởi hiện nay, tồn kho nhà ở thương mại rất lớn, trong khi chiến lược phát triển nhà ở đã xác định phát triển nhà ở xã hội chứ không phải nhà ở thương mại.

DiaOcOnline.vn - Theo báo tin tức