Top

Bất động sản đóng góp lớn cho nền kinh tế

Cập nhật 22/05/2012 08:10

(DiaOcOnline) - Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ở các nước phát triển, nếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng lên 1 USD thì sẽ có khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan (thị trường tài chính tín dụng, thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động) phát triển từ 1,5 - 2 USD.

Điều này cho thấy, sự phát triển của thị trường bất động sản đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế.


Thị trường địa ốc đóng góp khá lớn cho nguồn thu ngân sách của TP.HCM và cả nước - Ảnh: DÃ THẢO

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo cơ quan chức năng TP.HCM, việc phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc... từ đó tạo chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phát triển làm tăng khối lượng giao dịch hàng hóa bất động sản, là điều kiện cơ bản tăng nguồn thu của ngân sách Nhà nước thông qua thu các loại thuế liên quan đến bất động sản.

Riêng với thị trường bất động sản TP.HCM, thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trở thành thị trường trọng điểm của nhiều tập đoàn bất động sản đa quốc gia. Việc phát triển thị trường bất động sản của TP thời gian qua đã đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của TP nói chung và GDP khu vực dịch vụ nói riêng.

Trung bình mỗi năm lĩnh vực kinh doanh bất động sản đóng góp khoảng 11 % vào GDP của khu vực dịch vụ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm, góp phần tăng tỷ trọng GDP ngành dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.

Thời gian qua khi thị trường bất động sản phát triển đã huy động được các nguồn vốn trong nước, vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các dịch vụ bất động sản, cao điểm nhất là vào năm 2008 sau khi VN gia nhập WTO với khoảng 148.000 tỷ đồng. Trong tổng nguồn vốn tham gia vào thị trường bất động sản, vốn FDI chiếm tỷ lệ trên 50%.

Mỗi năm thu 8.000 tỷ đồng


Theo số liệu thống kê từ cơ quan thẩm quyền TP, thu ngân sách từ thị trường bất động sản ngày càng tăng, bình quân hàng năm đạt trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng số thu ngân sách TP.

Để thị trường bất động sản phát triển hơn nữa, cơ quan chức năng TP kiến nghị sớm bổ sung hành lang pháp lý để hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản, nhằm huy động được đa dạng các nguồn vốn trong xã hội. Như vậy sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tín dụng từ ngân hàng mà thường là các khoản tín dụng ngắn hạn, đồng thời để chuẩn bị bước phát triển thị trường bất động sản vào cấp độ tài chính hóa.

Bên cạnh đó cần thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Đây là mô hình quỹ đầu tư chuyên đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Mục đích của quỹ là huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ và đầu tư chuyên vào lĩnh vực bất động sản.

Sự khác biệt của quỹ tín thác bất động sản với các quỹ đầu tư khác ở các điểm: Quỹ tín thác bất động sản được đầu tư 100% vốn vào bất động sản (các quỹ đầu tư khác chỉ được đầu tư tối đa 40%). Bên cạnh, quỹ tín thác bất động sản có quy định thông thoáng về phương thức phân chia lợi nhuận từ đầu tư. Mặt khác, quỹ tín thác bất động sản cũng được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Khi thực hiện được mô hình trên, quỹ tín thác bất động sản sẽ là kênh đầu tư ổn định cho người dân có vốn nhàn rỗi, để họ có sự lựa chọn và không phải đầu tư thông qua việc mua, bán bất động sản đơn lẻ để kiếm lời như hiện nay.

Cơ quan thẩm quyền TP cũng kiến nghị các đơn vị liên quan nên quỹ tiết kiệm nhà ở, nhằm hỗ trợ cho người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập hạn chế. Nguồn vốn được hình thành từ đóng góp của người lao động từ 3% - 5% tiền lương hàng tháng. Nhà nước sử dụng tiền từ quỹ để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Người gửi tiền sau 10 - 15 năm sẽ được mua nhà ở xã hội bằng tiền tiết kiệm.

Nếu thiếu, Quỹ sẽ cho vay theo lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thương mại. Nếu người gửi không có nhu cầu mua nhà thì khi nghỉ hưu sẽ được trả cả gốc lẫn lãi.

Đây là mô hình được một số nước áp dụng rất thành công như Singapore, Trung Quốc.

N.Khánh – DiaOcOnline.vn