Top

Nhà ở xã hội vẫn chưa hấp dẫn

Bài cuối: Hạ tầng, dịch vụ chưa bảo đảm

Cập nhật 21/09/2013 09:12

Điều mà người dân thường lo lắng khi chọn mua nhà ở xã hội (NƠXH) là vị trí ở xa trung tâm, không thuận tiện cho việc sinh hoạt, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần có quy hoạch cụ thể số lượng, vị trí các dự án NƠXH, không thể vì thiếu nguồn cung NƠXH trước mắt mà xây dựng tràn lan, dẫn đến những hậu quả về sau.

Một góc khu nhà ở xã hội Sài Đồng, quận Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú

Câu chuyện xảy ra tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) đã cho thấy, NƠXH không phải lúc nào cũng hấp dẫn người dân. Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư dự án cho biết, từ khi bàn giao nhà đến nay, đã có hơn 30 khách hàng làm đơn xin trả lại nhà vì có ý định chuyển sang nhà ở thương mại. Lý do họ đưa ra là dự án thiếu các trang thiết bị hạ tầng, vị trí biệt lập, xa khu dân cư. Trước đó, vào năm 2011 khi dự án nhận hồ sơ, số người đăng ký mua nhà thu nhập thấp Kiến Hưng lên đến 3.500 hồ sơ, trên tổng số 860 căn hộ mà chủ đầu tư cung cấp. Giá bán của dự án cũng tương đối phù hợp 10,6 triệu đồng/m2.

Như vậy, giá bán, tiến độ của dự án không phải là vấn đề duy nhất khiến người dân kém mặn mà với nhà thu nhập thấp, mà còn bởi nhà thu nhập thấp phải chịu sự cạnh tranh về vị trí, dịch vụ, cơ sở hạ tầng đồng bộ với các dự án nhà ở thương mại. Những dự án ở xa trung tâm thành phố, thiếu những dịch vụ thiết yếu đi kèm như điện - đường - trường - trạm chắc chắn sẽ khó thu hút khách hàng dù giá rẻ.

Việc chuyển đổi dự án thương mại sang NƠXH hiện được nhiều chủ dự án coi như “chiếc đũa thần” để thoát khỏi bế tắc về đầu ra của sản phẩm, đồng thời tranh thủ cơ hội từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước để tái đầu tư. Tuy nhiên, theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tới đây, thị trường bất động sản sẽ đón nhận một loạt dự án NƠXH, đồng thời, các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang NƠXH sẽ được xây dựng ngày càng nhiều. Do đó, nguy cơ “bội thực” nguồn cung NƠXH trong tương lai có thể sẽ xảy ra.

“Tuy giá rẻ nhưng cơ sở hạ tầng, kết nối dịch vụ của các dự án NƠXH chưa được đảm bảo, vị trí lại xa trung tâm. Chẳng hạn, dự án Khu đô thị Sunny Garden City (Quốc Oai), dự án Đặng Xá (Gia Lâm) cách trung tâm 15 - 20 km; dự án CT - 08 Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh) cách trung tâm 30 - 40 km... Thực tế, không phải người thu nhập thấp nào cũng chấp nhận mua nhà giá rẻ, rồi hằng ngày phải vượt 15 - 20 km đi làm”, theo ông Liêm.

Do vậy, phát triển NƠXH cần có quy hoạch cụ thể, xác định vị trí phù hợp để người dân không bị đẩy đi quá xa so với nơi làm việc, đồng thời phải đảm bảo hạ tầng kĩ thuật của các khu này thì người dân mới mua. Đồng thời, cần phải có khảo sát nhu cầu thực tế từng khu vực, địa điểm trước khi cho phép chuyển đổi các dự án. Nhu cầu nhà thu nhập thấp trong khu vực nội thành đang lớn, nhưng các dự án được phê duyệt chuyển đổi lại chủ yếu nằm ở các khu vực ngoại thành thì khả năng ế rất cao.

Còn theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, chủ trương xây dựng NƠXH, trong đó có việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại đang tồn kho lớn sang NƠXH thời điểm này là đúng đắn. Tuy nhiên, không nên làm ồ ạt. Nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội phân tích thêm, dự án nhà ở thương mại có diện tích căn hộ hơn 100 m2. Nếu hạ xuống diện tích 40 - 50 m2 theo tiêu chuẩn NƠXH thì dân số tăng, kéo theo áp lực về giao thông, trường học, bệnh viện... Do vậy, rất cần được tính toán kỹ.

“Các dự án NƠXH cần có một hạ tầng hoàn chỉnh, được khớp nối với hạ tầng tại khu vực đó. Điều kiện ăn ở, học hành của con cái cũng là điều rất quan trọng để người dân quyết định chuyển đến ở”.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin tức