Top

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều dự án lớn được cấp phép

Cập nhật 03/03/2019 16:30

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

FDI 2 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 2,5 lần

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn đầu tư tăng mạnh ở cả 3 hợp phần cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.

Trong đó, cả nước có 514 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018. Có 176 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 61% tổng vốn đăng ký.

Ảnh minh họa


Trong 2 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 306,7 triệu USD, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Cũng trong 2 tháng đầu năm, đã có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 979,1 triệu USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 873 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư...

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 541,7 triệu USD chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư...

Loạt dự án lớn được cấp phép đầu tư

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn được cấp phép.

Trong đó có thể đến, dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.

Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.

Bên cạnh đó còn dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Marubeni tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 115 triệu USD do Marubeni Corporation (Nhật Bản) đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu, với mục tiêu sản xuất cà phê hòa tan và sản phẩm cà phê chiết xuất từ nguyên liệu hạt cà phê nhân thô theo loại hình chế xuất trong khu công nghiệp.

Ngoài ra, dự án Nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New wing của Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 110 triệu USD.

Dự án đầu tư, xây dựng, kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ Vsip Bắc Ninh II, tổng vốn đầu tư gần 104 triệu USD do Singapore đầu tư với mục tiêu xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp.

DiaOcOnline.vn – Theo VNMedia