Top

Ngân hàng “thất sủng”, “chân đất” lên ngôi

Cập nhật 30/01/2010 13:10



Nhiều nhà đầu tư đang chuyển sang mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản thay vì săn tìm cổ phiếu ngân hàng như trước đây.
Đối với giới chứng khoán, điều gì đọng lại trong năm Đinh Sửu sắp qua? Đó là sự "thất sủng" của cổ phiếu ngân hàng và sự "lên ngôi" của cổ phiếu bất động sản.

Các tổ chức tín dụng niêm yết đạt được mức là nhuận cao không kém những doanh nghiệp kinh doanh đất, nói cách khác là những công ty “chân đất", nhưng sự tăng trưởng của cổ phiếu bất động sản lại vượt xa cổ phiếu ngân hàng. Sự đổi ngôi của hai nhóm cổ phiếu này liệu có xảy ra trong năm Canh Dần?

Ngân hàng "thất sủng"

Sau khi lên đỉnh cao vào đầu năm 2007, cổ phiếu ngân hàng đi vào giai đoạn “suy yếu” mà đến giờ mới chỉ gượng dậy một phần. Năm 2009 chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi và sẵn sàng trở lại thời kỳ "hoàng kim" của cổ phiếu “vua" như giới tài chính kỳ vọng. Tất cả 5 ngân hàng lớn niêm yết trên sàn đều đạt lợi nhuận trước thuế ấn tượng, tăng 20-50% so với năm 2008, cụ thể ACB 2.818 tỉ đồng; STB 1.901 tỉ đồng; EIB trên 1.533 tỉ đồng; CTG 3.018 tỉ đồng, VCB dự kiến 4.600- 4.700 tỉ đồng (4.400 tỉ đồng 11 tháng đầu năm).

Giả sử các ngân hàng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, thì lợi nhuận sau thuế tương ứng sẽ là ACB 2.113,5 tỉ đồng trên vốn điều lệ 7.705 tỉ đồng; STB 1.425 tỉ đồng/6.700 tỉ đồng; EIB 1.144 tỉ đồng/8.762 tỉ đồng; CTG 2.263 tỉ đồng/11.250 tỉ đồng; VCB ước 3.000 tỉ đồng/12.100 tỉ đồng.

Với giá đóng cửa ngày 22-1-2010, trừ EIB, cả bốn ngân hàng đều có chỉ số P/E hấp dẫn từ 10,5-14 lần. Chỉ số P/E của EIB tương đối cao, nhưng bù lại EIB có vốn chủ sở hữu tới hơn 13.000 tỉ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng cổ phần và ngang với các ngân hàng quốc doanh.

Với các chỉ số cơ bản như thế, lẽ ra cổ phiếu ngân hàng phải là chứng khoán cần có trong danh mục của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với cổ phiếu ngân hàng. Trong vòng bốn tháng, từ tháng 7 đến cuối tháng 10- 2009, cổ phiếu ACB giẫm chân tại mức giá 44.000- 46.000 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 11-2009 đến nay giá cổ phiếu ACB lình xình quanh mức 32.000-38.000 đồng/cố phiếu. Sự "bình chân" đó đã dẫn nhà đầu tư đến những toan tính kiểu nhanh nhanh "lướt sóng" các cổ phiếu khác, sau đó quay lại mua cổ phiếu ngân hàng cũng chưa muộn.

Điều gì đang khiến cổ phiếu ngân hàng bị “thất sủng” đến vậy? Trước hết đó là khối lượng niêm yết của các cổ phiếu ngân hàng quá lớn, làm cho việc đầu cơ trở nên không thể thực hiện được. Không có đại gia tổ chức hay cá nhân nào đủ sức mua vào - bán ra một tỷ lệ cổ phiếu chi phối đủ để làm giá chứng khoán các tổ chức tín dụng. Thứ hai là tốc độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng quá nhanh, và giá trị cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng quá nhiều. Thứ ba là sự gia tăng, từ 2-3 năm trước, số lượng các ngân hàng cổ phần với số vốn điều lệ tối thiểu vào cuối năm nay phải đạt 3.000 tỉ đồng, đã gây cảm giác "bội thực” nơi nhà đầu tư. Một số ngân hàng mới thành lập thậm chí phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá bằng mệnh giá cũng khó tìm được người mua. Thứ tư, năm nay cả hai sàn HOSE và HNX dự kiến đón gần chục ngân hàng niêm yết với tổng giá trị cổ phiếu tính theo mệnh giá 30.000-50.000 ti đồng như SCB, Nam Việt, Đại Á, Liên Việt, Quân Đội, Đông Á...

Có nên chờ đợi sự “lên ngôi"lần nữa của cổ phiếu ngân hàng trong tương lai gần?

Ngay cả những cổ đông lớn là thành viên hội đồng quản trị các ngân hàng cũng tỏ ra dè dặt khi phỏng đoán thời điểm cổ phiếu ngân hàng được ưa chuộng trở lại. Cổ phiếu ngân hàng cần động lực mạnh đế trở về quỹ đạo vốn có của nó. Đó là cơ chế quản lý thích hợp để ngân hàng phát huy hết nguồn lực. Chính sách tiền tệ với các biện pháp điều hành mang nặng tính hành chính đang bó chân bó tay các ngân hàng. Nguồn thu từ kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ tài chính đang co hẹp trong khi lợi nhuận biên từ mảng tín dụng đối với một số ngân hàng là âm do càng cho vay càng lỗ bởi cơ chế lãi suất cứng nhắc.

Bất động sản chiếm “ngai vàng”

Trong lúc thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lặng nề nhất bởi khủng hoảng tài chính bên ngoài, thì cũng là lúc cổ phiếu bất động sản bứt phá mạnh mẽ nhất. Cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) và Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) vào cuối tháng 2-2009 có giá khoảng 50.000 đồng và 30.000 đồng/cổ phiếu. Từ mức đáy, cả hai đã liên tục tới lên đỉnh cao 225.000 và 171.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 450% và 540%. Đến ngày 22-1-2010 VN-Index đã rớt từ 624 về 478 điểm, SJS vẫn có giá 72.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 186.000 đồng/cổ phiếu trước khi chia tách), NTL 126.000 đồng/cổ phiếu.

Lợi nhuận đột biến do nhiều nguyên nhân là lý do chủ đạo tạo điều kiện cho cổ phiếu bất động sản nói chung, SJS và NTL nói riêng tăng giá và đứng ở mức cao. Năm ngoái NTL dự kiến lãi sau thuế hơn 400 tỉ đồng trên vốn điều lệ 164 tỉ đồng; SJS ước 680 tỉ đồng trên vốn 400 tỉ đồng (trước khi tăng lên 1.000 tỉ đồng mới đây).

Lợi nhuận sau thuế của những cổ phiếu "chân đất" khác cũng không kém phần ngoạn mục như Nhà Thủ Đức (TDH) 216 tỉ đồng trên vốn điều lệ 252,5 tỉ đồng (mới tăng vốn lên 378 tỉ đồng); Licogi 16 (LCG) chín tháng lãi 145 tỉ đồng/vốn 250 tỉ đồng; Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Ria – Vũng Tàu (HDC) ước cả năm 72 tỉ đồng/vốn 81tỉ đồng (mới tăng lên 108 tỉ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (ITC) chín tháng lãi 110 tỉ đồng/vốn 230 tỉ đồng...

Danh sách công ty bất động sản đạt lợi nhuận 100% trên vốn không phải là hiếm, kể cả những công ty vốn nhỏ trên sàn Hà Nội như Sông Đà 5, Sông Đà 10.1...

Khác với cổ phiếu những ngành nghề khác, cổ phiếu bất động sản nhận được sự kỳ vọng thường xuyên của giới đầu tư về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận những năm sắp tới, nhất là những đơn vị có quỹ đất lớn. Chỉ cần giá nhà đất ở những khu đô thị mới tại Hà Nội, TPHCM biến động là lợi nhuận của các đơn vị "chân đất" lập tức biến động theo.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản chào sàn, nhưng không giống ngân hàng, vốn điều lệ của các công ty này khá nhỏ, trên dưới 100-200 tỉ đồng, nên khả năng tăng vốn bằng cách chia thưởng, phát hành thêm cổ phiếu không bị hạn chế. Chia tách cổ phiếu không phải là kỹ thuật mới nhưng nó vẫn có tác dụng phần nào giữ giá cổ phiếu khỏi giảm sâu và tăng thanh khoản, tức tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu. Rõ ràng, cổ phiếu bất động sản là loại chứng khoán có nền tảng để phát triển chừng nào nhu cầu về nhà đất của người dân còn tiếp tục cao như hiện nay.

 DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG