Top

Ngân hàng đua nhau giảm lãi vay mua nhà

Cập nhật 17/09/2020 09:56

Người mua nhà phấn khởi vì lãi suất cho vay bất động sản giảm, đi kèm nhiều chính sách kích cầu từ chủ đầu tư.

Việc hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất là một động thái tốt để kích cầu thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Từ đầu tháng 8, hàng loạt ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay để khuyến khích người mua nhà vay ngân hàng.

Hiện mức lãi suất ưu đãi của các nhà băng chỉ còn dao động 6,5%-11,5%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng việc lãi suất giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua cũng đang tạo điều kiện cho người dân tại các đô thị lớn có thể mua được nhà.

Mua nhà được nhiều ưu đãi

Ngân hàng Standard Chartered hiện có mức lãi suất ưu đãi thấp nhất trên thị trường, chỉ 6,49%/năm với gói vay 12 tháng; 7,99%/năm với gói vay 24 tháng và 8,99%/năm với gói vay 36 tháng. Lãi suất sau ưu đãi vào khoảng 10,5%/năm. Tỉ lệ cho vay mua nhà tại ngân hàng này cũng đang ở mức khá cao, đạt 75%, thời hạn vay tối đa 25 năm.

Tương tự, lãi suất vay mua nhà tại Woori Bank cũng chỉ 7%/năm trong 12 tháng đầu. Lãi suất sau thời gian ưu đãi vào khoảng 8,5%/năm. Hạn mức cho vay lên tới 70%, thời hạn vay tối đa là 15 năm.

Lãi suất cho vay mua nhà nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV và VietinBank đã giảm 0,2%-1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau so với cuối tháng trước.

Cụ thể, lãi suất ưu đãi tại BIDV giảm từ 8% xuống 7,8%/năm đối với 12 tháng đầu hoặc từ 9% xuống 8,8%/năm đối với 24 tháng đầu. Với Vietcombank, lãi suất cho các khoản vay mua nhà được giảm từ 8,1% xuống 7,7%/năm đối với kỳ hạn ưu đãi 12 tháng. Riêng Vietcombank đã đề ra bảy mức lãi suất để người mua nhà chủ động tính toán hình thức vay.

Techcombank còn khuyến khích cho vay mua nhà với thời hạn kéo dài tới 35 năm đi kèm với lãi suất ưu đãi chỉ 8,29%/năm trong năm đầu tiên. Sau thời gian ưu đãi, các khoản vay hơn 5 tỉ đồng được cho vay với lãi suất 10,8%/năm.

Các ngân hàng thương mại khác cũng niêm yết mức lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mua nhà trong 12 tháng ở mức 7,7%-10,1%/năm.

Không chỉ ngân hàng, các chủ đầu tư cũng tung ra nhiều chính sách bán hàng ưu đãi để thu hút khách. Đơn cử như một chủ đầu tư vừa mở bán dự án ở Dĩ An, Bình Dương với chính sách chiết khấu cho khách hàng 4%-18% trên số tiền thanh toán. Ngoài ra, ngân hàng còn hỗ trợ cho vay mua nhà tới 70%-80% giá trị căn hộ, khách hàng có thể vay tiện nghi tiêu dùng trị giá 300 triệu đồng…

Một tập đoàn bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đưa ra chính sách cam kết mua lại sản phẩm dự án sau ba năm với mức lãi suất 15%/năm. Chương trình này chỉ áp dụng cho 100 sản phẩm và chỉ trong thời gian ngắn đã đủ lượng đăng ký.

Một số chủ đầu tư thì hỗ trợ lãi suất 0% trong 12 tháng cho các khách hàng mua căn hộ tại dự án. Trong trường hợp không vay ngân hàng, khách hàng sẽ được nhận chiết khấu 3% giá trị căn hộ, thanh toán sớm 95% sẽ được chiết khấu gần 6% giá bán.

Động lực cho thị trường bật dậy

Chuyên gia BĐS Lê Bá Chí Nhân nhận định dịch COVID-19 khiến nhiều ngành gặp khó khăn, BĐS cũng không ngoại lệ. Thời gian qua, chủ đầu tư gặp khó về nguồn hàng, còn khách hàng thì không có tiền để mua nhà, đất. Do vậy, để kích cầu người dân vay mua nhà, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, ông Nhân đánh giá mức giảm lãi suất vẫn chưa nhiều. Nếu có giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa chỉ 6%-7%/năm cũng chỉ là một trong các biện pháp kích cầu. Vấn đề quan trọng là người dân có tiền để mua nhà ở hay không.

Hơn nữa, để thị trường bật dậy cần rất nhiều yếu tố như nền kinh tế, thu nhập người dân, tình hình doanh nghiệp… Nếu dòng tiền của người mua nhà bị ảnh hưởng, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thu nhập giảm thì lãi vay có giảm họ cũng không mua nhà.

“Chưa kể giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng thì người mua vẫn không mạnh dạn quyết định” - ông Nhân chia sẻ.

Để thị trường phát triển bền vững, ông Nhân cho rằng cần có những chính sách kích cầu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh, nhiều người lao động có việc làm thì dòng tiền mới chảy nhiều vào BĐS.

Cùng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, chỉ ra lãi suất ngân hàng giảm là hệ quả do thị trường BĐS ảm đạm. Lãi suất giảm nhưng vẫn khó kích cầu vì đa phần người mua nhà, đất tại Việt Nam đều là đầu tư ngắn hạn. Khi thị trường ảm đạm, họ sẽ ngại xuống tiền. Tuy nhiên, đây cũng được coi là thời điểm tốt đối với những người mua nhà ở thực vì ngoài lãi suất giảm, sản phẩm còn được khuyến mãi, chiết khấu.

Tuy nhiên, TS Hiển khuyến cáo muốn mua nhà thời điểm này nên có cái nhìn đầu tư dài hạn 3-5 năm. Thứ hai, người mua nhà nên nhìn vào thu nhập, tính toán túi tiền mình đã có để có kế hoạch tài chính chắc chắn khi quyết định vay ngân hàng. Nếu nguồn thu bấp bênh, nguy cơ mất khả năng trả nợ vẫn cao.

“Muốn thị trường phát triển bền vững thì trước tiên giá cả phải hợp lý, tương xứng với chất lượng sản phẩm, pháp lý đảm bảo. Ví dụ, căn hộ phải xây dựng đúng tiến độ, chất lượng tốt, trao sổ hồng cho cư dân đúng cam kết” - TS Hiển nói.

Nhiều tiền mặt thì mới mua nhà

Theo TS Đinh Thế Hiển, người có lượng tiền mặt chiếm khoảng 40%-50% tổng tài sản (gồm nhà, đất) thì mới nên tính chuyện mua thêm BĐS thời điểm này. Người nào có lượng tiền mặt chỉ chiếm dưới 20% tổng giá trị tài sản thì gửi ngân hàng là lựa chọn lý tưởng hơn.

Người chưa sẵn sàng tài chính không nên mạo hiểm vì khi vay ngân hàng, áp lực phải trả cả gốc và lãi hằng tháng rất lớn. Mức vay ngân hàng an toàn chỉ nên từ 50% đến 60% giá trị BĐS.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO