Top

Lại gia hạn cho vay ngoại tệ

Cập nhật 10/12/2018 10:12

Thay vì sẽ chính thức dừng cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31.12.2018, mới đây Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra một lộ trình ngắn hạn gia hạn cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trong năm 2019.

Doanh nghiệp thích vay USD vì lãi suất thấp - ẢNH: NGỌC THẠCH

7 tháng, cho vay 23 tỉ USD

Chiến lược phát triển ngành NH VN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt quy định giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và 5% vào năm 2030, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế
Là ngân hàng (NH) dẫn đầu cho vay USD trong hệ thống, tính đến hết tháng 9, Vietcombank đã cho vay hơn 97.443 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ USD); VietinBank cho vay 91.014 tỉ đồng (khoảng 3,9 tỉ USD); MB hơn 22.000 tỉ đồng (khoảng 944 triệu USD). Những NH khác có dư nợ cho vay ngoại tệ ở mức 9.000 - 10.000 tỉ đồng... Tỷ trọng dư nợ cho vay ngoại tệ của các nhà băng dao động từ 5,6 - 15% trên tổng dư nợ tùy đơn vị. Tính đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng hơn 6,8 triệu tỉ đồng. Chiếm khoảng 8% trong tổng dư nợ tín dụng, số ngoại tệ mà các nhà băng cho vay vào khoảng 540.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 23 tỉ USD; so với những năm trước giảm khoảng 6 tỉ USD.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều mong muốn vay USD bởi lãi suất thấp hơn tiền đồng từ 3 - 5%/năm. Các NH thương mại hiện đang cho vay USD với lãi suất 2,8 - 4,7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,5 - 6%/năm đối với dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Chính vì điều này mà trong 5 năm trở lại đây, NH Nhà nước (NN) liên tục gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn giá thấp. Tuy nhiên, cũng có không ít DN sử dụng dòng vốn linh hoạt kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. Đơn cử như các DN có tiền đồng nhưng gửi tiết kiệm và đi vay USD có lãi suất thấp hơn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán của Tập đoàn dầu khí VN (PVN), PVN có 23.037 tỉ đồng tiền gửi NH không kỳ hạn, 49.364 tỉ đồng tiền gửi NH có kỳ hạn không quá 3 tháng và 101.230 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ trên

3 tháng đến không quá 1 năm. Tổng lượng tiền gửi NH của PVN lên đến 173.631 tỉ đồng, chiếm 22% tổng tài sản. Lãi suất của số tiền gửi này tại các NH từ 5,1 - 6,8%/năm. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng có hàng loạt hợp đồng vay vốn bằng ngoại tệ với lãi suất từ 1,7 - 5,9%/năm. Doanh thu hoạt động tài chính của PVN trong năm 2017 ghi nhận 14.769 tỉ đồng thì có đến 54% đến từ tiền gửi, tiền cho vay (đạt 7.924 tỉ đồng); chênh lệch tỷ giá 837 tỉ đồng (chiếm 5,7%).

Siết vay ngắn hạn

Theo Thông tư 18/2017 của NHNN, việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến 31.12.2018. Thế nhưng NHNN mới đưa ra dự thảo gia hạn cho vay ngoại tệ theo lộ trình. Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31.3.2019. Đối với cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30.9.2019. Dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

NHNN cho rằng qua số liệu những tháng đầu năm 2018, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây do tỷ giá ổn định, dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi, lãi suất vay USD thấp hơn tiền đồng. Vì vậy tín dụng ngoại tệ ngắn hạn cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần. Việc sửa đổi, bổ sung quy định cho vay nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao (đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung)…

Một điểm mới trong dự thảo lần này là các khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính NH cho vay hoặc NH khác. NH cho vay ngoại tệ phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay. NHNN cho rằng việc sửa đổi, bổ sung cho vay ngoại tệ nhằm thực hiện đúng cam kết về các nội dung đề án hạn chế đô la hóa, đó là chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Dự thảo “nắn” dòng tín dụng ngoại tệ của NHNN khiến các DN “thở phào”, các NH lên kế hoạch kinh doanh năm 2019 rõ ràng hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên