Top

Đã đến lúc NHNN giảm lãi suất?

Cập nhật 10/12/2012 09:38

Hạ lãi suất giúp duy trì khả năng sống sót của các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

Sau khi tăng “nóng” hai tháng liên tiếp, tháng 11 chỉ số giá tiêu dùng đã hạ nhiệt. Mấy ngày qua, nhiều ngân hàng lại rục rịch hạ lãi suất huy động. Hiện lãi suất trên 12 tháng dao động từ 10% đến 12%. Câu hỏi đặt ra là lúc nào thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất?

Lãi suất có thể giảm thêm 1-1,5 điểm phần trăm

* Phóng viên: Lạm phát có xu hướng giảm, đây có phải là cơ sở để NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm lãi suất tiền gửi không?
 

+ TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Có ba yếu tố dự báo NHNN sẽ giảm lãi suất.

Thứ nhất, lạm phát tháng 11 vào khoảng 6,5%, đi theo xu hướng giảm. Nếu lạm phát tháng 12 vào khoảng 1% hoặc dưới 1% thì theo cách tính của Việt Nam, lạm phát sẽ khoảng 7,5%. Đây là dư địa khá tốt để NHNN điều chỉnh lãi suất thấp hơn.

Thứ hai, từ đầu năm đến nay thị trường trái phiếu chính phủ giảm khá mạnh và dự đoán cuối quý này còn giảm nữa. Lãi suất chính phủ bao giờ cũng mang tính chỉ đạo thị trường. Trái phiếu chính phủ giảm nghĩa là thanh khoản của các ngân hàng đã tốt hơn, trong khi đầu ra tín dụng bị hạn hẹp nên các ngân hàng buộc phải mua trái phiếu chính phủ, thậm chí chịu lỗ vì khoản giao dịch này. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ giảm là yếu tố quan trọng để NHNN tham chiếu giảm lãi suất.

Thứ ba, nền kinh tế thực sự rơi vào tình trạng đình đốn, kéo dài suốt ba năm liền. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, lòng tin và sự nhiệt tình kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bị xói mòn nghiêm trọng suốt ba năm qua. Đã đến lúc Chính phủ phải có hành động để phục hồi đà tăng trưởng mà đặc biệt là giảm bớt khó khăn, áp lực tài chính cho DN. Giảm lãi suất là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tăng cầu đầu tư, tăng cầu tiêu dùng và giảm tồn kho. Ba nhân tố đó là sự đòi hỏi bức bách để Chính phủ cũng như NHNN xem xét chính sách lãi suất.

* Nhưng có ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất lại không có ý nghĩa gì với các DN không vay vốn và không vay được vốn, thưa ông?

+ Đúng vậy, việc giảm lãi suất không có ý nghĩa gì lắm đối với DN không vay vốn hoặc không được vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, nó lại rất có ý nghĩa với hàng vạn DN vay vốn ngân hàng và đang hoạt động bình thường, kể cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Số DN này chính là trụ cột hiện tại của nền kinh tế. Bởi vậy chúng ta phải duy trì và tiếp sức cho họ. Làm thế nào để họ có lợi nhuận, cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài là điều sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Hạ lãi suất giúp duy trì khả năng sống sót của các DN còn lại. Và như vậy mới duy trì được lực lượng lao động đang gặp khó khăn rất lớn ở các DN, cho dù họ hoạt động với công suất và thị trường hạn chế.

* Vậy theo ông lãi suất nên giảm ở mức nào là hợp lý?

+ Có hai cách thực hiện: Tạm thời duy trì trần lãi suất tiền gửi, trần lãi suất cho vay nhưng giảm bớt khoảng 1-1,5 điểm phần trăm hoặc bỏ lãi suất tiền gửi, quy định trần lãi suất cho vay nhưng không phải hướng dẫn của NHNN mà phải là pháp định. Ví dụ: Trần lãi suất cho vay có thể 11,5% hoặc thận trọng hơn là 12% sẽ phù hợp với xu thế giảm rất mạnh của lạm phát, xu thế của lãi suất thị trường trái phiếu chính phủ và mong mỏi hiện tại của DN.
 

Cuối năm, nhiều ngân hàng rục rịch hạ lãi suất huy động. Ảnh: HTD


Tháng 12 là thời điểm then chốt

* Nhưng việc quy định trần áp đặt như vậy sẽ có phản ứng phụ, bởi thanh khoản cũng như “cơ địa” của mỗi ngân hàng không giống?

+ Đúng vậy. Thường quy định lãi suất trần lãi suất cho vay dễ kiểm soát hơn trần lãi suất tiền gửi. Vì các DN sẽ tố cáo hoặc phản ứng khi ngân hàng cho vay vượt trần. Trong khi đó, nếu quy trần lãi suất tiền gửi ngân hàng có phá rào, người gửi tiền cũng không có ý kiến gì mà còn thích thú hơn. Đấy là điều lâu nay khiến NHNN không đủ khả năng giám sát trần này. Cũng dễ hiểu vì lực lượng thanh tra của ngân hàng có hạn, không thể đảm bảo tất cả chi nhánh của mọi ngân hàng thực hiện đúng quy định.

Tất nhiên, quy định trần lãi suất tiền gửi hay cho vay cũng có mặt hạn chế. Ví dụ, khi quy định trần lãi suất cho vay, các ngân hàng lấy cớ huy động tương đối cao nên khó có thể cho vay. Họ lựa chọn con đường an toàn hơn là đầu tư vào trái phiếu chính phủ, thậm chí đầu tư vào các kênh tín dụng như tín dụng tiêu dùng, tín dụng chứng khoán...

* Như vậy theo ông, ngân hàng dễ dàng lách ngay cả khi lãi suất giảm?

+ Tôi nghĩ rằng bất cứ ngân hàng nào, khi hướng tín dụng vào đâu họ đều tính về lâu dài. Họ có nhu cầu rất lớn là duy trì khách hàng đang hoạt động tốt. Vì vậy cạnh tranh khách hàng tốt là một trong những yếu tố khiến ngân hàng chấp nhận trần cho vay tốt. Và điều đó có lợi cho DN.

* Theo ông, thời điểm nào có thể hạ lãi suất xuống nữa?

+ Thời điểm nào đều quan trọng đối với DN nhưng càng nhanh, càng sớm càng tốt. Đang có dấu hiệu cho thấy các DN giảm hàng tồn kho, sản phẩm bán dễ dàng hơn trước. Theo phân tích của chúng tôi, chỉ số đơn đặt hàng mới công bố tháng 11-2012 đã lên mức trung bình (50) sau gần 8-9 tháng trời ở mức thấp. Mặc dù chỉ là tăng nhẹ nhưng có vẻ nền kinh tế đang hơi ấm trở lại và sẽ là cơ hội tốt nếu lãi suất tiếp tục giảm, tạo tác động tích cực cho DN. Đặc biệt là đối với DN sản xuất, khai khoáng, DN có giá trị lớn hỗ trợ xuất khẩu.

Do đó, tháng 12 là thời điểm then chốt để giảm lãi suất. Vấn đề này tác động rất lớn đối với việc kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư và hoạch định chiến lược kinh doanh cho năm 2013.

* Vậy theo ông, trần lãi suất nên áp dụng đối tượng nào?

+ Hiện tại ngành nào, lĩnh vực nào cũng rơi vào tình trạng đình trệ, hàng tồn kho lớn, tiêu thụ khó khăn. Cần đặc biệt chú ý đến chuyện nếu không phục hồi được thị trường bất động sản thì đà phục hồi của nền kinh tế có thể bị mất. Và như thế phải chịu một giai đoạn đình đốn kéo dài trong nhiều năm. Cho nên vào thời điểm này, ngoài lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… thì bất động sản và xây dựng cũng cần được chú trọng phục hồi.

* Xin cảm ơn ông.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP