Top

Thông tư 02/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 2-4-2014:

Phép nước không thể có ngoại lệ

Cập nhật 13/03/2014 08:58

Theo Thông tư 02/TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định (NĐ) số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ vừa được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 2-4-2014, một số hành vi xây dựng không phép, sai phép sẽ được tồn tại, không phải phá dỡ phần vi phạm sau khi đã nộp phạt bổ sung. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng quy định này thực chất là hình thức "phạt cho tồn tại", nhằm hợp lý hóa những yếu kém trong công tác quản lý xây dựng.

Tòa nhà số 9 Đào Duy Anh, quận Đống Đa ( Hà Nội) đã phải “cắt ngọn” do vi phạm trong xây dựng. Ảnh: Bá Hoạt

Thông tư 02 gây chú ý dư luận khi hướng dẫn các trường hợp áp dụng chuyển tiếp quy định tại Điều 70 NĐ số 121/2013/CP. Theo đó, hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại NĐ số 23/2009/CP nhưng chưa thực hiện; nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc thẩm quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Đồng thời, ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư, hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng. Trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm điều chỉnh hoặc cấp giấy phép sau khi chủ đầu tư chấp hành quyết định xử phạt hành chính, quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngay sau khi ban hành, nội dung này đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hình thức phạt cho tồn tại, hợp thức hóa công trình vi phạm mà đáng lẽ phải xử lý nghiêm minh. Đơn cử như cách đây chưa lâu TP Hà Nội đã ban hành các quyết định cưỡng chế "cắt ngọn" hàng loạt công trình xây dựng sai phép quy mô lớn nhằm lập lại trật tự kỷ cương pháp luật trong hoạt động xây dựng. Những động thái này đã có tác dụng răn đe lớn, vừa góp phần giảm số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng, vừa nâng cao trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật.

Nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Lê Văn Lương có thể sẽ được hợp thức hóa bởi Thông tư 02. Ảnh: Lê Tuấn

Theo nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm: Bộ Xây dựng nên nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn công trình xây dựng không phép, sai phép. Chẳng hạn công bố công khai quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đến người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với quy hoạch chứ đừng coi đó là "bí mật", người dân phải "xin" thì mới cho. Phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo sự thuận tiện chứ đừng bắt người dân phải chứng minh cái này, trình cái kia, làm cho người dân thấy phiền hà. Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực quản lý bằng cách tạo điều kiện cho người dân chứ đừng áp đặt mệnh lệnh hành chính; cùng với phân công, phân cấp phải làm rõ trách nhiệm, đồng thời nâng cao năng lực của cơ quan chức năng; khuyến khích người dân có ý thức, coi diện mạo kiến trúc đô thị là văn hóa đô thị.

Tuy nhiên, bảo vệ quan điểm của mình, Bộ Xây dựng cho rằng cách hiểu Thông tư 02 hợp thức hóa vi phạm là chưa "thấu đáo". Trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên nói, các quy định pháp luật đều đặt vấn đề công trình xây dựng vi phạm phải được phát hiện, xử lý hành chính, cưỡng chế phá dỡ, tuy nhiên có phân ra các loại sai phạm khác nhau để xử lý. Chỉ có công trình không vi phạm chỉ giới, có chủ quyền sử dụng đất hợp pháp, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch… mới áp dụng hình thức bổ sung nộp số lợi bất hợp pháp thu được, chứ không phải tất cả các công trình đều "phạt cho tồn tại". Trên thực tế, việc "cắt ngọn" một số công trình gây lãng phí nếu nó không ảnh hưởng đến đô thị, quy hoạch, môi trường, trong khi quy định thu tiền các sai phạm gây ra chưa có. Về tỷ lệ thu phạt bổ sung, trong quá trình soạn thảo cũng có nhiều tranh luận, thậm chí có ý kiến nêu phạt 100% giá trị xây dựng vi phạm. Song, qua thực tế cơ quan soạn thảo chọn phương án 40% và 50% giá trị. Thực tế, tại Hà Nội có nhiều dạng vi phạm đang tồn tại, có những khu đất trước là đất nông nghiệp, nay đô thị hóa, hình thành khu dân cư, người dân xây dựng tự phát, bản thân chính quyền không quản lý được. Nay nếu quy hoạch lâu dài là khu dân cư thì phải cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm cuộc sống cho người dân. Nếu quy hoạch không phù hợp phải cho xử lý ngay.

Quan điểm trên của Bộ Xây dựng, được cụ thể hóa bằng Thông tư 02/TT-BXD, đã thể hiện sự "trái chiều" đối với việc giữ gìn trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, xây dựng đô thị. Thông tư này có nguy cơ phá vỡ diện mạo kiến trúc đô thị cũng như phá vỡ quy hoạch chung của Thủ đô, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc thông tư này vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận cũng là điều dễ hiểu.

Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại Nghị định 121/2013/NĐ-CP

Theo Bộ Xây dựng, tại khoản 9, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định: "Hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và điểm b khoản 7 điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt... Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng".

Tại khoản 2, Điều 70 Nghị định, quy định về xử phạt chuyển tiếp trường hợp xây dựng không phép, sai phép quy định tại khoản 9, 10 Điều 13 của Nghị định. Quy định này nhằm xử lý các trường hợp xây dựng sai phép, không phép sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, nếu buộc phải phá dỡ gây lãng phí lớn cho xã hội, trong đó nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm chưa xử lý triệt để. Các công trình áp dụng quy định này bảo đảm điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, chứ không áp dụng với tất cả các công trình sai phạm.

Nội dung Thông tư 02/2014/TT-BXD hướng dẫn một số điều của Nghị định 121/2013/NĐ-CP không có quy định thêm hoặc khác so với Nghị định về các trường hợp xây dựng sai phép, không phép được nộp tiền phạt và cho tồn tại, không cưỡng chế phá dỡ.

Tuy nhiên, trước những ý kiến khác nhau, Bộ Xây dựng đang cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ. Trường hợp xét thấy còn có quy định chưa phù hợp, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 121/2013/NĐ-CP, đồng thời sửa đổi Thông tư 02/2014/TT-BXD cho phù hợp, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội.
 

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội: Phạt cho tồn tại là mâu thuẫn lớn về pháp luật

Do quản lý yếu kém nên tồn tại số lượng lớn công trình sai phép, không phép chưa xử lý, nay áp dụng quy định "phạt cho tồn tại" sẽ là mâu thuẫn lớn về luật pháp. Không những vậy, việc hợp thức công trình sai phép, không phép còn phá vỡ diện mạo kiến trúc đô thị - một trong những yêu cầu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện sự không hiểu biết giá trị văn hóa đô thị. "Phải chăng kiểu phạt cho tồn tại này là hợp thức hóa sự yếu kém trong quản lý".

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội): Cần chỉnh sửa cho phù hợp thực tế

Tôi cho rằng, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2014-TT-BXD cũng xuất phát từ thực tiễn. Bởi vì trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan ở Hà Nội và một số đô thị lớn khác kéo dài, tồn đọng dai dẳng, khiến nhiều ngành, nhiều cấp không xử lý được. Tuy nhiên, nếu trong nội dung thông tư có việc "xử phạt để cho tồn tại" thì Bộ Xây dựng nên xem lại vấn đề này. Công tác xây dựng còn liên quan đến bộ mặt đô thị, nhất là các thành phố lớn, nếu không kỹ càng sẽ tạo cớ cho một số người chây ì, không tuân thủ pháp luật. Theo tôi, thông tư này cần rà soát lại, nội dung phải xem xét kỹ lưỡng, kết hợp cả thực tế và hành lang pháp lý chung trong quản lý đô thị, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

* Ông Trần Hùng, phường La Khê, quận Hà Đông: Thông tư 02 ra đời đã xác định cụ thể hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý vi phạm TTXD. Tuy nhiên, với quy định được cho là "mới" tại khoản 3, Điều 11 của thông tư này, theo tôi chẳng khác nào Nhà nước "tiếp tay" cho vi phạm. Từ trước đến nay, hầu hết các chủ đầu tư xây dựng công trình sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt... đều bị xử lý, cớ sao nay lại được để lại xem xét? Nếu công trình xây dựng nào sai phép, không phép... đều được nộp tiền để "tồn tại" thì bộ mặt đô thị của Hà Nội sẽ bị biến dạng như thế nào?

* Bà Lê Thị Chi Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Ace: Những năm gần đây, tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan trên địa bàn Hà Nội, nhất là các quận nội thành mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã ra quân quyết liệt và "mạnh tay" xử lý vi phạm. Nay, Nghị định 121 và Thông tư 02 có hiệu lực, tôi lo rằng các trường hợp sai phạm trong xây dựng sẽ tăng đột biến, vì người vi phạm chỉ cần nộp tiền là công trình vi phạm được "tồn tại".

* Ông Đỗ Mạnh Hưng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai: Khi thực hiện nghiêm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, người dân còn tìm đủ mọi cách "lách luật" để vi phạm. Nay Bộ Xây dựng lại có quy định mới cho phép người dân nộp phạt phần xây dựng sai phép, không phép... để tồn tại thì không biết vi phạm về lĩnh vực TTXD thời gian tới sẽ "nóng" đến mức nào. Theo tôi, trước khi thông tư chính thức có hiệu lực, Bộ Xây dựng và các ngành hữu quan cần xem xét, nghiên cứu kỹ, đừng để trở thành "tiền lệ xấu".


DiaOcOnline.vn - Theo Hà nội mới