Top

Nhiều quy định mới về quản lí nhà chung cư

Cập nhật 19/01/2015 08:54

Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 sẽ có nhiều quy định mới liên quan đến quản lí nhà ở chung cư. Đây được xem là tiền đề cho những hi vọng cải thiện môi trường sống và mô hình nhà ở chung cư.

Các quy định về quản lí nhà ở chung cư sẽ rõ ràng và chặt chẽ hơn. Ảnh: Nguyễn Huế

Phát biểu tại hội thảo Những điểm đổi mới quan trọng trong Luật Nhà ở (sửa đổi) – Tác động của chính sách mới đối với DN và thị trường BĐS do Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng SAVISTA và Tạp chí BĐS Nhà Đất Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 17-1-2015, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua do không có những quy định rõ ràng nên việc quản lí nhà ở chung cư đã phát sinh nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư và người ở chung cư. Do đó trong Luật Nhà ở sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2014 đã có nhiều quy định mới nhằm giải quyết các bất cập trong quản lí nhà ở chung cư

Cụ thể, Luật Nhà ở sửa đổi đã có riêng một mục quy định về quản lý, sử dụng bảo trì nhà chung cư và mục phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại.

Nhìn chung, các quy định đã theo hướng quan tâm đến cuộc sống của người mua nhà chung cư sau giai đoạn khi công trình đã xây dựng. Trong đó, diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng quy định rõ. Trong tiêu chuẩn thiết kế tòa nhà chung cư, bắt buộc phải có khu vực sinh hoạt động đồng, diện tích này không thuộc sở hữu riêng. Những công trình kỹ thuật ngoài căn hộ chung cư cũng quy định rõ trách nhiệm công trình nào thuộc của quyền sử dụng và quyết định của dân cư, của nhà nước, hay chủ đầu tư.

Để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, Luật quy định rõ về cách tính diện tích và chỗ để xe đối với xe máy, xe đạp cho từng hộ và phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Bên cạnh đó, các vấn đề về tranh chấp, bất hòa giữa người sống trong chung cư và Ban quản trị tòa nhà cũng sẽ được giải quyết. Theo quy định, tòa nhà có trên 20 căn hộ là phải lập Ban quản trị. Ban quản trị sẽ hoạt động theo mô hình Ban chủ nhiệm hợp tác xã hoặc Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, có con dấu, tài khoản riêng. Các hoạt động chi tiêu của ban quản trị chứng thực bằng hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Các vấn đề liên quan đến tòa nhà sẽ do dân cư tòa nhà quyết định và được thông qua tại hội nghị nhà chung cư.

Đối với công tác bảo trì, Luật cũng quy định rõ hơn về các loại chi phí phải đóng. Kinh phí bảo trì của nhà chung cư cũng được chia ra theo từng loại hình chung cư hỗn hợp hay chỉ dành để ở. Theo luật, những dự án bán căn hộ sau khi Luật có hiệu lực thì phí bảo trì phải đóng là 2%. Chủ đầu tư phải chuyển vào tài khoản cho ban quản trị sau khi được bầu ra trong vòng 7 ngày. Khoản tiền bảo trì, ban quản trị sẽ sử dụng theo kế hoạch bảo trì của từng năm, báo cáo tại hội nghị chung cư hàng năm, nếu chi trả sai phải bồi thường…

Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, theo quy định, tới đây, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… 80% các dự án phát triển BĐS sẽ là nhà chung cư, không còn chủ trương giao đất để làm nhà phố hay biệt thự. Do vậy, các quy định về nhà chung cư trong Luật Nhà ở sẽ góp vai trò quan trọng trong việc quản lý nhà ở các đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan