Top

Dân khiếu nại đến lãnh đạo Hà Nội vì quy hoạch kiốt bám đường trăm tỷ

Cập nhật 08/01/2018 15:50

Thông tin quy hoạch thiếu minh bạch, liên tục thay đổi, kiến nghị UBND quận và sở ngành không được trả lời; các hộ dân quanh khu vực có quy hoạch kiốt bám đường Nguyễn Hoàng đã gửi đơn kiến nghị lên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tuyến đường Nguyễn Hoàng đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng Sở TN&MT Hà Nội chủ trì đề nghị UBND TP cho phép xây dựng các kiốt bán thực phẩm bám đường

Theo đó, 15 hộ dân tại Tổ dân phố số 6 phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm đã có đơn gửi đến các lãnh đạo cao nhất TP Hà Nội về sự việc tại số nhà 5 đến 59 đường Nguyễn Hoàng.

Ngoài ra, các hộ dân cũng gửi kiến nghị đến các sở ngành có liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Sở GTVT, Thanh tra Thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Trong đơn, các hộ dân cho rằng, quy hoạch vỉa hè và phần đất nông nghiệp xen kẹt cạnh đường Nguyễn Hoàng không được công khai minh bạch.

Như Tiền phong đã phản ánh, hiện đây là hoàn toàn đất nông nghiệp. Đại diện UBND phường Mỹ Đình 2 (quản lý khu vực này) cho biết, có thời kỳ quy hoạch thành công viên. Trong khi, Sở TN&MT đã chủ trì thẩm tra, đề nghị thành phố chấp thuận xây dựng thành các kiốt. Trong khi đồ án quy hoạch được UBND TP phê duyệt là đất ở dân cư.

Người dân cũng phản ánh, trong khi thông tin quy hoạch không minh bạch, tình trạng xây dựng kiốt trái phép diễn ra từ số nhà 5 đến 59 đường Nguyễn Hoàng diễn ra công khai, nhưng không được xử lý.

Hiện tại cạnh tuyến đường Nguyễn Hoàng vừa được đưa vào sử dụng là các cửa hàng thu mua đồng nát, quán nhậu, garage ô tô, sàn giao dịch bất động sản...

“Các quán bia buôn bán ồn ào suốt ngày đêm, garage ô tô dùng luôn vỉa hè, lòng đường sửa chữa. Có cả các cửa hàng thu mua đồng nát tại đây, nếu không kiểm soát cũng có thể xảy ra vụ nổ như ở Bắc Ninh vừa qua hay Văn Quán (Hà Đông) năm năm ngoái” – một hộ dân tại khu vực đông dân cư này cho hay.

Trong đơn, các hộ dân đề nghị làm rõ trách nhiệm, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép này. Về quy hoạch khu đất, các hộ dân đề nghị cải tạo thành vườn hoa cây xanh tạo cảnh quan đô thị sạch đẹp, không nên cho xây dựng kiốt gây mất mỹ quan đô thị và ùn tắc giao thông.

Các hộ dân cho hay, họ cũng đã gửi đơn đến lãnh đạo thành phố, nhiều sở ban ngành từ hơn 2 tháng nay nhưng hiện vẫn chưa có cơ quan nào trả lời.

Như Tiền phong phản ánh, tháng 4/2017, Sở TN&MT Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao chủ trì kiểm tra kế hoạch sử dụng đất tại một số vị trí xây dựng hệ thống cửa hàng, kiốt kinh doanh thực phẩm sạch theo đề nghị của UBND quận Nam Từ Liêm.

Với khu đất hơn 1.000 m2 cạnh đường Nguyễn Hoàng, thuộc Tổ dân phố số 6, phường Mỹ Đình 2 nêu trên, sau khi kiểm tra, Sở này xác nhận: Theo quy hoạch xây dựng phân khu đô thị H-2, thuộc ô quy hoạch K1-6 có chức năng làng xóm hiện có. Về quy hoạch sử dụng đất, khu đất này được quy hoạch là đất ở đô thị. Điều đó có nghĩa là diện tích đất này không được quy hoạch làm đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đông – GĐ Sở TN&MT vẫn ký, đề nghị thành phố xem xét chấp thuận chủ trương để khu đất này thành các cửa hàng, kiốt bán thực phẩm sạch.

Đáng nói hơn, ngoài khu đất trên đường Nguyễn Hoàng, Sở TN&MT Hà Nội cũng chủ trì kiểm tra 10 điểm khác thuộc quận Nam Từ Liêm được đề nghị làm cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, tổng cộng 11 điểm.

Qua kiểm tra, Sở này phát hiện có 5/11 điểm phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, tại văn bản báo cáo lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Sở này vẫn đề nghị UBND thành phố chấp thuận về chủ trương đối với đề nghị của UBND quận Nam Từ Liêm (quận này đề nghị toàn bộ 11 điểm xây dựng kiốt kinh doanh thực phẩm sạch).

Căn cứ báo cáo của Sở TN&MT, ngày 27/7/2017, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đối với đề xuất của quận Nam Từ Liêm, giao các sở hướng dẫn quận Nam Từ Liêm thực hiện.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất công bám mặt đường mới xây dựng như Nguyễn Hoàng, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn vì không đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Ông Liêm cho rằng, đường đô thị hiện đại tại các nước phát triển hướng tới việc tạo các toà nhà chung cư quy mô, các công viên, siêu thị lớn chứ không phải là cách tạo ra các cửa hàng nhỏ lẻ, hướng thẳng, xung đột với đường giao thông.

Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội – cơ quan chủ trì thẩm tra, tham mưu việc này vẫn chưa có ý kiến phản hồi chính thức về việc này.

Nhiều tuyến đường nghìn tỷ làm xong cho kiốt bám đường

Ngoài tuyến đường Nguyễn Hoàng, tình trạng các cửa hàng, ki ốt mọc trái phép, bám các con đường mới mở diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến phố mới mở của Hà Nội. Điển hình như tuyến phố Phạm Hùng – tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội, trên chiều dài hàng km, các showroom ô tô, cửa hàng ăn uống mọc lên rất nhiều tại các dự án treo. Tuyến mương Thái Hà dài khoảng 400m (chạy dọc theo đường Thái Hà từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu, thuộc quận Đống Đa) sau khi được bê tông hoá mặt cống cũng đã trở thành khu phố buôn bán sầm uất.


DiaOcOnline.vn theo Báo Tiền Phong