Top

Đảm bảo sự kết nối trong quy hoạch đất đai

Cập nhật 02/10/2013 09:33

 Thiếu các định hướng vĩ mô, tầm nhìn chiến lược cho 50-100 năm, quy hoạch sử dụng đất sẽ dễ bị thay đổi, thường xuyên phải điều chỉnh, chắp vá, không bảo đảm sự kết nối liên tục giữa các kỳ quy hoạch.

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đồng tình tại Hội thảo Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 1/10.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những căn cứ quan trọng để các cấp chính quyền quản lý và chỉ đạo khai thác sử dụng quỹ đất có hiệu quả hơn. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, thông qua việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đã rà soát lại quỹ đất gắn với nhu cầu sử dụng. Từ đó, phát hiện được một số sai sót như sử dụng đất chưa hợp lý để có biện pháp bố trí sắp xếp lại. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, tính dân chủ, công khai được phát huy rõ rệt làm giảm được nhiều tiêu cực trong công tác quản lý đất đai.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã lập quy hoạch sử dụng đất đai cấp tỉnh 10 năm và kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, đất đai không phải là nguồn lực có thể sinh sôi để phân chia cho các ngành, lĩnh vực. Do đó, để quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững quỹ đất quốc gia, phù hợp với điều kiện của từng vùng thì quy hoạch sử dụng đất cần được xây dựng dựa trên phương pháp phân tích lợi thế từng vùng, quy hoạch gắn với các điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội.

Theo bà Phạm Thị Minh Thủy, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, trước các vấn đề, thách thức lớn mang tính toàn cầu như áp lực gia tăng dân số, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… đòi hỏi quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng dựa trên tầm nhìn dài hạn, dự báo hai chiều cả về nhu cầu sử dụng cho các mục đích và những biến động về diện tích, chất lượng nguồn tài nguyên đất do những tác động của tự nhiên và con người.

Bà Thủy cho rằng, thiếu các định hướng vĩ mô, tầm nhìn chiến lược cho 50-100 năm, quy hoạch sử dụng đất sẽ dễ bị thay đổi, thường xuyên phải điều chỉnh, chắp vá, không bảo đảm sự kết nối liên tục giữa các kỳ quy hoạch. Do đó, để bảo đảm việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bền vững trong thế kỷ 21, nhất thiết cần phải nghiên cứu định hướng vĩ mô, tầm nhìn dài hạn về quản lý đất đai hay nói cách khác là phải có chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam.

Còn PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam thì cho rằng, để các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực thống nhất với chiến lược quản lý tài nguyên đất đai thành một thể thống nhất và có hiệu lực cao cần phải đổi mới công tác quy hoạch. Mọi quy hoạch (ngành, lĩnh vực, đô thị-nông thôn, kinh tế-xã hội) đều có liên quan đến địa bàn, lãnh thổ, nên cần có “Quy hoạch tổng hợp theo các vùng lãnh thổ”, trong đó bao gồm các loại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành-lĩnh vực, quy hoạch đô thị-nông thôn. Loại quy hoạch tổng hợp, hợp nhất đa ngành như thế giúp công tác quản lý thuận lợi, tránh tình trạng quy hoạch cục bộ như hiện nay.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Báo điện tử Chính phủ